Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng… khiến CPI quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.
Chỉ tính riêng tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,7%. Trong mức tăng CPI có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá.
Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 4,8% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá vào ngày 01/3/2022, 11/3/2022 và 21/3/2022 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 13,44% (tác động CPI chung tăng 0,48 điểm phần trăm).
Bên cạnh đó, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,8% so với tháng trước, giá vận tải hành khách bằng taxi tăng 1,26%, vận tải hành khách bằng xe buýt tăng 2,22%, dịch vụ giao nhận hàng lý ký gửi tăng 1,32% do một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá khi giá xăng dầu tăng. Giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 1,03%; phí thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,53%; phí học bằng lái xe tăng 0,44%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,49% do giá dầu hỏa tăng 18,18%; giá gas tăng 9,33%; giá thuê nhà tăng 3,26%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,56%; giá điện[1] và nước sinh hoạt lần lượt tăng 1,51% và tăng 0,12% do nhu cầu sử dụng điện, nước trong tháng tăng cao.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,46% chủ yếu do giá nhóm đồ trang sức tăng 5,17% theo giá vàng trong nước; dịch vụ cắt tóc gội đầu tăng 0,98%; vật dụng và dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,79%; vật dụng và dịch vụ thờ cúng tăng 0,25%.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,21% do các hoạt động trên cả nước đang trở về trạng thái “bình thường mới” sau nhiều tháng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá du lịch trọn gói tăng 0,61%; vé thuê chỗ chơi thể thao tăng 0,31%; khách sạn, nhà khách tăng 0,29%; xem phim, ca nhạc tăng 0,27%; thiết bị, dụng cụ thể thao tăng 0,06%.
CPI bình quân quý I năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1,92%; CPI tháng 3/2022 tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát cơ bản quý I/2022 tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê chia sẻ, theo quy luật sau tết CPI giảm. Tuy nhiên năm nay CPI tăng cao nhất so với các năm trước do chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Đồng thời bức tranh phục hồi kinh tế rõ rệt và có xu hướng trở về trước khi diễn ra đại dịch; nền kinh tế Việt Nam có độ mở 200%. rủi ro nhập khẩu lạm phát cao;... điều đó khiến cho áp lực lạm phát năm 2022 rất lớn.
Để giảm áp lực lạm phát, bà Nguyễn Thu Oanh khuyến nghị, Chính phủ và các bộ ngành cần theo dõi diễn biến giá cả lạm phát thế giới, có những dự báo mặt hàng thiếu hụt để đưa ra chính sách phù hợp. Cùng với đó, kiểm soát giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.
Đối với các mặt hàng điều chỉnh giá do nhà nước quản lý như y tế, giáo dục không nên điều chỉnh theo lộ trình nhà nước đề ra...
Giá vàng trong nước biến động tăng cùng chiều với giá vàng thế giới khi lạm phát các quốc gia tăng cao và ảnh hưởng của chiến tranh giữa Nga - Ukraina. Chỉ số giá vàng tháng 3/2022 tăng 4,51% so với tháng trước; tăng 9,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2022, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,52%.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2022 tăng 0,64% so với tháng trước; giảm 0,43% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2022, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước giảm 0,67%.
Nguồn tin: Tài chính doanh nghiệp