Công ty điện lực Uniper - một trong những nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức - sẽ thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble theo quy trình thanh toán mới được Nga công bố vào tháng trước.
"Kế hoạch là thực hiện các khoản thanh toán của chúng tôi bằng đồng euro vào một tài khoản ở Nga", phát ngôn viên của công ty nói với truyền thông Đức, được Reuters dẫn lời.
Theo quy trình, bất kỳ người mua khí đốt nào của Nga từ bất kỳ quốc gia không thân thiện nào đều cần mở hai tài khoản tại Gazprombank: một tài khoản bằng ngoại tệ muốn thanh toán và một tài khoản bằng đồng ruble.
Khi đến hạn thanh toán khí đốt, người mua gửi số tiền cần thiết bằng đô la hoặc euro vào tài khoản Gazprombank đầu tiên của mình. Sau đó, ngân hàng chuyển đổi số tiền thành ruble theo tỷ giá hối đoái của ngân hàng trung ương Nga và gửi nó vào tài khoản thứ hai, từ đó thanh toán thực tế được thực hiện.
Uniper cho biết vào đầu tuần này, họ đã chuẩn bị bắt đầu thanh toán bằng đồng ruble cho khí đốt của Nga, ngay sau khi Gazprom thông báo tới Ba Lan và Bulgaria rằng sẽ tạm dừng giao khí đốt sau khi hai nước này từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Công ty khí đốt nhà nước Bulgaria cho biết họ đã phát hiện ra nhiều vấn đề trong các điều khoản của thủ tục mới khiến tính an toàn của việc giao nhận khí đốt bị nghi ngờ. Mặt khác, Uniper có vẻ như không có những hoài nghi như vậy. Hãng này cũng không có chung quan ngại với các quan chức EU về việc chuyển sang thanh toán bằng đồng ruble có thể vi phạm các lệnh trừng phạt.
Giám đốc tài chính của công ty năng lượng Tiina Tuomela cho biết: “Chúng tôi cho rằng việc sửa đổi quy trình thanh toán tuân thủ luật trừng phạt và vì vậy việc thanh toán là có thể thực hiện được”.
Động thái của Uniper được đưa ra bất chấp lời kêu gọi từ Ủy ban châu Âu đối với những người mua năng lượng của EU không trả tiền khí đốt của Nga bằng đồng ruble.
"Các công ty có hợp đồng như vậy không nên tuân theo yêu cầu của Nga", Chủ tịch EC von der Leyen cho biết trong tuần này, được Al Jazeera dẫn lời. "Đây sẽ là một hành vi vi phạm các lệnh trừng phạt nên rủi ro cao cho các công ty."
Nguồn tin: xangdau.net