Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cộng đồng bán lẻ xăng dầu yêu cầu chia lại lợi nhuận định mức kinh doanh

 Ngày 14/3, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu (DNBL) đồng loạt gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét yêu cầu liên bộ Tài Chính - Công Thương phân chia lại khoản chi phí và lợi nhuận định mức kinh doanh mà họ được hưởng.

Theo ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bội Ngọc, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí tổng hợp tối đa chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước gồm: chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu để tính giá cơ sở theo mức tối đa”. Cụ thể trong giá cơ sở từ khi ban hành Thông tư 104 của Bộ Tài chính, ngày 18/11/2021, đều có liệt kê tính gồm: Chi phí kinh doanh định mức là 1.050đ/lít và Lợi nhuận định mức là 300đ/lít.

Cộng đồng bán lẻ xăng dầu yêu cầu chia lại lợi nhuận định mức kinh doanh
Cộng đồng bán lẻ xăng dầu yêu cầu chia lại lợi nhuận định mức kinh doanh
Đơn đềông nghị của Công ty TNHH Một thành viên Bội Ngọc/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ. Tuy nhiên, trong Thông tư 104 không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn là bao nhiêu và khâu bán lẻ là bao nhiêu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẻ hở này một cách triệt để hưởng gần như hầu hết phần chi phí này. Họ phân chia cho doanh nghiệp bán lẻ theo dạng “ban phát”.

Đó là nguyên nhân dẫn đến hơn một năm qua, DNBL phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

“Sự việc này các DNBL chỉ nghĩ rằng sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng không ngờ nó diễn ra hơn một năm qua, đã làm cho chúng tôi lỗ nặng nề, bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ nhằm phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính của cơ quan chức năng, dù lỗ vẫn phải bán”. Đây là hình thức cưỡng bức DNBL, ông Giang Chấn Tây cho biết thêm.

Trong đơn, các doanh nghiệp đều cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ không nằm trong chuỗi cửa hàng trực thuộc của doanh nghiệp đầu mối hầu hết đều không được hưởng đầy đủ phần lợi nhuận và chi phí đúng theo quy định.

Để minh bạch và không bị ăn chặn, trong đơn, cộng đồng bán lẻ xăng dầu đề nghị Liên Bộ Tài Chính - Công Thương lập hội đồng phân chia lại khoản chi phí và lợi nhuận định mức này. Trong đó, liên bộ cần nêu rõ doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu từ khoản này.

Ngoài ra, cộng đồng bán lẻ xăng dầu còn đề nghị mức chi phí trên cần được quy định cụ thể trong Nghị định mới và làm cơ sở để truy thu phần mà doanh nghiệp bán lẻ bị "chiếm" trong năm qua.

Ví dụ sau khi thẩm định, nhà chức trách phân chia mức chi phí mà doanh nghiệp bán lẻ được nhận là 900 đồng một lít, những trường họp trước đây chỉ nhận được 100 đồng, giờ sẽ được hoàn trả thêm 800 đồng, đồng thời thống kê tổng số lượng hàng hóa bán ra để tính ra tổng mức mà DNĐM phải chi trả bổ sung cho DNBL kể từ ngày 01/11/2021 khi Nghị định 95 ban hành cho đến nay!.

Vừa qua, trong phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về thị trường xăng dầu, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng cho biết, hơn một năm qua họ phải bán hàng với chiết khấu 0 đồng. DNBL ước tính số lỗ một năm qua khoảng 3.000- 4.000 tỷ đồng, chủ yếu do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp.

Trước đó, Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với gần 9.000 cửa hàng trên cả nước cũng gửi đơn "cầu cứu" lên Thủ tướng liên quan đến bình ổn thị trường xăng dầu hiện nay. Trong đơn, các doanh nghiệp cho rằng dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu tiếp tục "bỏ quên" vai trò của các doanh nghiệp bán lẻ.

Nội dung kiến nghị nêu lên những quy định chưa phù hợp ở Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu.

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, trong dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu lại tiếp tục "bỏ quên" vai trò của các doanh nghiệp bán lẻ - mắt xích cuối cùng, nhưng rất quan trọng trong chuỗi phân phối bán lẻ xăng dầu.

Trên thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kinh doanh trong tâm thế bị "ép" vì luôn trong tình trạng nếu đóng cửa thì bị phạt, mà mở bán cũng không đành vì càng bán càng lỗ.

Các thương nhân đầu mối và các khâu trung gian được hưởng chi phí định mức cố định trong công thức tính giá xăng dầu, nhưng chiết khẩu cho cửa hàng bán lẻ thì 0 đồng. Việc này dẫn tới khi thị trường có biến động, đầu mối và khâu trung gian đã "cắt" hết hoa hồng, chèn ép nhà bán lẻ thời gian dài.

Nguồn tin: PetroTimes

ĐỌC THÊM