Sau đợt tổng thanh tra về chất lượng và đo lường xăng dầu năm 2008, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng đã bị phát hiện. Nhưng dư luận cũng rất bức xúc vì mức xử phạt quá thấp so với lợi nhuận bất chính thu được
|
Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ |
PV Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ quanh vấn đề này.
- Trên góc độ quản lý, ông đánh giá thế nào về kết quả đợt tổng thanh tra về đo lường, chất lượng xăng dầu năm nay so với đợt tổng thanh tra năm 2003?
- Đánh giá số liệu về mặt cơ học thì so với năm 2003, tỷ lệ vi phạm năm 2008 đã giảm. Năm 2003 tỷ lệ vi phạm là 28,3% trên tổng số cơ sở được thanh tra, năm 2008 tỷ lệ này là 17,9%. Tuy nhiên, có điều đáng chú ý là tỷ lệ vi phạm giảm, nhưng mức độ tinh vi lại tăng lên. Đợt thanh tra vừa rồi có trên 7% số cơ sở vi phạm có lắp các thiết bị điện tử để gian lận, trong khi trong đợt thanh tra năm 2003 có số này chỉ là 0,5%. Điển hình là tại Gia Lai, đoàn thanh tra đã phát hiện đến 10 cơ sở kinh doanh đã gắn thêm bảng mạch điện tử để điều chỉnh thiết bị đo.
Hình thức vi phạm cũng phức tạp và tinh vi hơn. Ngoài việc lắp thêm bo mạch phụ, còn có thêm các hình thức như thay đĩa tạo xung, lắp thêm bộ kích xung, thay IC vi xử lý kỹ thuật để điều chỉnh sai số, thậm chí có nơi còn can thiệp trực tiếp vào mật mã của chương trình để thay đổi sai số. Một điểm đáng chú ý nữa là mức độ sai phạm cũng lớn hơn. Chẳng hạn như ở Gia Lai, có cơ sở điều chỉnh sai số đến 9,3%. Ở Bình Dương, phát hiện 5 cơ sở thay IC với mã số bí mật được cài đặt để có thể điều khiển qua bàn phím cột bơm gây sai số tới 5,6%.
|
Thiết bị để thay đổi sai số. |
- Xã hội rất hoan nghênh kết quả đạt được của đợt thanh tra nhưng đồng thời cũng băn khoăn về mức xử phạt quá thấp so với lợi nhuận bất chính thu được. Nó sẽ không đủ để răn đe hành vi vi phạm, thưa ông?
- Hiện nay, mức xử phạt hành chính cao nhất theo Nghị định 126 và 95 là 20 triệu đồng. Khoảng 2/3 số cơ sở vi phạm phát hiện trong đợt thanh tra vừa rồi chịu mức xử phạt này. Đồng thời, chúng tôi cũng đã thực hiện theo chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị rút giấy phép các cơ sở vi phạm nghiêm trọng. Đến nay, trên toàn quốc có 52 cơ sở bị rút giấy phép kinh doanh.
Mặt khác, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đang xây dựng Nghị định mới thay thế 2 nghị định trên. Trong đó, có đề nghị nâng mức xử phạt hành chính cao nhất lên 30 triệu đồng. Đồng thời, đề nghị hình thức truy thu khoản lợi nhuận thu được do gian lận. Chẳng hạn, nếu một cơ sở bị phát hiện vi phạm về đo lường, chúng tôi sẽ căn cứ vào sai số vi phạm và doanh số bán ra của cơ sở đó để tính tiền lợi nhuận bất chính để truy thu. Nếu cơ sở kinh doanh không có chứng cứ về thời điểm bắt đầu sai phạm thì thời điểm bắt đầu tính truy thu là từ đợt kiểm tra gần nhất không phát hiện sai phạm.
- Xin cảm ơn ông
(Giadinh.net)