Vốn nhà nước tại Thalexim sẽ giảm từ 100% về 49% sau cổ phần hóa và tiếp tục giảm xuống 36% trước năm 2019.
Thalexim sở hữu hệ thống 700 đại lý xăng dầu, chủ yếu ở miền Nam.
Thủ tướng Chính phủ ngày 9/8 có quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim).
Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của Thalexim sau cổ phần hóa sẽ là 2.366 tỷ đồng, trong đó Nhà nước thông qua UBND tỉnh Bình Dương sở hữu 49%, phần còn lại chào bán cho nhà đầu tư chiến lược (45,5%), bán đấu giá công khai (5%) và bán ưu đãi người lao động (0,45%).
Việc cổ phần hóa Thalexim nhằm tuân thủ Quyết định 58 được ban hành cuối năm ngoái. Thalexim nằm trong số 106 doanh nghiệp Nhà nước nắm dưới 50% vốn giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Thalexim theo kế hoạch sẽ được thoái tiếp về 36% trước 31/12/2018.
Trước đó, ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex). Tuy nhiên khác với Thalexim, vốn nhà nước tại Becamex vẫn được giữ ở mức chi phối 51% sau cổ phần hóa. Đây là hai trong số những doanh nghiệp lớn nhất tại tỉnh Bình Dương hiện nay.
Thực ra, chủ trương cổ phần hóa hai doanh nghiệp “con cưng” của Bình Dương đã có từ nhiều năm trước. Cuối năm 2014, UBND tỉnh Bình Dương trình kế hoạch thoái vốn tại Becamex và Thalexim xuống mức 75%. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận với phương án này và yêu cầu thực hiện ngay trong năm 2015. Tuy nhiên việc cổ phần hóa sau đó không diễn ra như dự kiến, nguyên nhân chính được cho là bởi quy mô của hai doanh nghiệp kể trên là rất lớn.
Như vậy, có thể thấy chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn tại Thalexim đã có sự thay đổi đáng chú ý khi vốn nhà nước thay vì vẫn lên tới 75% như kế hoạch trước đây, thì nay được điều chỉnh về dưới mức chi phối 49% và sẽ còn tiếp tục được giảm xuống.
Nguồn tin: Nguoiduatin.vn