Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Có nên giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng xăng?

Trước ý kiến đề xuất nên giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng này đang ở mức trung bình thấp so với nhiều nước, nhất là các nước có chung đường biên giới với nước ta.

Sau khi lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ trình Quốc hội.

Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng ở mức trung bình thấp

Có ý kiến đề nghị xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng trong trường hợp giá xăng trên thế giới tăng cao bất thường.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế TTĐB thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cũng theo Bộ Tài chính, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng.

"Thuế TTĐB đánh vào một số hàng hóa cần tiêu dùng tiết kiệm

Thuế TTĐB là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia,...), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hoá thạch) hoặc hàng hoá, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,...)."

Ví dụ tại Pháp (0,6629 EUR/lít đối với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít đối với xăng khoáng); Đức (0,3545 EUR/lít); Ý (0,4784 EUR/lít); Anh (0,5295 Bảng/lít); Hàn Quốc (311 Won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%); Úc (0,221 Đô la Úc/lít); Thái Lan (6,5 bạt/lít đối với xăng khoáng, 5,85 bạt/lít đối với xăng 95 E10, 5,2 bạt/lít đối với xăng 95 E20, 0,975 bạt/lít đối với xăng 95 E85, 2,99 bạt/lít đối với dầu diesel). Tại Singgapo (0,41 Đô la Singgapo/lít); Trung Quốc (1,52 Nhân dân tệ/lít, tương đương tỷ lệ 15,6%); Cam-pu-chia (thuế suất 15%); Lào (thuế suất 16%)...

Như vậy, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước, đặc biệt thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc.

Giao quyền quyết định cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với thực tế

Có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ sự cần thiết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định “thời gian áp dụng giảm thuế” và nguyên tắc để xác định “thời gian áp dụng giảm thuế”.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Luật thuế TTĐB và Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì việc giảm thuế TTĐB và thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Tại Thông báo số 1265/TB-TTKQH ngày 7/7/2022 thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nêu điều chỉnh trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với thực tế phát sinh, dự thảo nghị quyết chỉ trình nguyên tắc giảm thuế mà không cụ thể phương án và giao thẩm quyền cho UBTVQH quyết định khi giá xăng dầu tăng cao. Việc UBTVQH quyết định giảm thuế cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể phải trên cơ sở tính toán, đề xuất của Chính phủ căn cứ tình hình diễn biến giá xăng dầu thực tế và trên cơ sở khả năng cân đối, hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Về kinh nghiệm quốc tế trong việc ổn định giá xăng dầu, có ý kiến đề nghị bổ sung kinh nghiệm quốc tế giảm thuế GTGT của Đức: “Đức giảm thuế GTGT đối với khí đốt từ mức 19% hiện tại xuống còn 7% trong khoảng thời gian từ 1/10/2022 - 31/3/2024”. Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã tiếp thu và bổ sung vào phần kinh nghiệm quốc tế tại Tờ trình Chính phủ.

Về giá cơ sở xăng dầu, có ý kiến đề nghị cân nhắc cập nhật về tỷ trọng chi phí trong giá cơ sở xăng dầu, số liệu đối với các thuyết minh về tỷ trọng thuế, mức giá, mức thuế đối với các mặt hàng xăng dầu tại dự thảo. Bộ Tài chính đã tiếp thu và cập nhật lại số liệu theo kỳ điều chỉnh giá cơ sở xăng dầu gần nhất có thể (kỳ điều chỉnh ngày 21/9/2022).

Trước đó, ngày 23/9/2022 Bộ Tài chính đã có công văn số 9691/BTC-CST xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và đã đăng trên Trang tin điện tử của Bộ Tài chính, của Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân tham gia Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.

Bộ Tài chính đã nhận được ý kiến tham gia của một số bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp, cá nhân (10 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 18 địa phương; 4 hiệp hội, cá nhân).

Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, các ý kiến đều thống nhất về sự cần thiết, mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết. Đa số các ý kiến nhất trí hoàn toàn với nội dung dự thảo nghị quyết. Một số ý kiến tham gia về câu chữ đã được Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu và thể hiện tại dự thảo./.

Đề xuất giảm tối đa 50% thuế TTĐB đối với xăng

Theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định: Giảm tối đa 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giao UBTVQH quyết định mức giảm cụ thể thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế./.

Nguồn tin: Tài chính

ĐỌC THÊM