Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Có nên giảm giá xăng dầu để kích cầu?

Với cơ cấu 70% nộp thuế cho Nhà nước, các DN xăng dầu càng có cớ để lờ đi chuyện giảm giá mặt hàng huyết mạch này. Nhưng khi giá dầu thô trên thế giới đã xoay quanh mốc 40 USD/thùng từ nhiều tuần qua, các chuyên gia kinh tế đều lên tiếng, cần giảm giá xăng dầu để kích cầu tiêu dùng, đầu tư.
 
Lại chuyện chờ giảm thuế
 
Không phủ nhận khả năng có thể giảm giá tiếp nhưng ông Vương Đình Dung - Phó Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội lại đưa ra một điều kiện: Đó là Nhà nước phải giảm thuế. Đồng thời, ông Dung cũng bày tỏ quan điểm, chỉ giảm giá dầu chứ không nên giảm giá xăng.
 
Đối tượng mặt hàng xăng chủ yếu là xe máy và ôtô du lịch, vốn từng được coi là thủ phạm gây ách tắc giao thông. Mặt hàng ôtô còn được coi là mặt hàng tiêu dùng xa xỉ. Do đó, việc đánh thuế cao ở mức 35% vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, lại vừa tạo động lực cho người dân tiết kiệm chi tiêu.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, giảm giá xăng dầu để kích cầu tiêu dùng, đầu tư là cần thiết
 
Nếu để tìm một giải pháp về giá nhằm kích cầu đầu tư theo  đúng chích sách của Nhà nước thì mặt hàng dầu cần được xem xét đến. Ông Dung phân tích, đây là nhiên liệu quan trọng của nhiều ngành sản xuất hiện nay.
 
Đa số các loại ôtô vận tải hành khách, ôtô tải đều sử dụng dầu là chủ yếu. Việc giảm giá dầu sẽ có tác dụng kích giảm giá thành sản phẩm, giá dịch vụ vận tải và kéo theo, giá các mặt hàng sẽ giảm. Đây cũng là điều kiện tốt kích thích sản xuất.
 
Tuy nhiên, với mức thuế nhập khẩu quá cao, lên tới 25% hiện nay, các DN không thể giảm giá dầu vì giảm tiếp sẽ lỗ. Ông Dung nhấn mạnh, khi nào Nhà nước giảm thuế nhập khẩu thì chúng tôi sẽ tính toán giảm giá dầu.

Không nên tận thu thuế xăng lúc này
Thuế xăng có lúc lên mức kịch trần là 40%, vừa rồi, Nhà nước hạ xuống mức 35%, theo tôi là vẫn quá cao. Cơ chế giá của xăng dầu phản ánh rất nhiều mặt vì đó là đầu vào của nhiều ngành. Nếu không làm đúng, định mức giá cao thì nó sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các DN sản xuất.
Giá đầu vào cao mà thu nhập của người dân ít đi, sức mua giảm nhiều, các DN sản xuất đình trệ nên Nhà nước mới cần kích cầu. Trong bối cảnh này, liệu rằng, để giá xăng dầu cao như vậy có là đi ngược với chính sách kích cầu hay không?
Hơn nữa, hạ giá xăng dầu ở đây không có nghĩa là hạ dưới giá vốn. Nhà nước cần tạo nguồn thu ở mức hợp lý thôi, cộng với mức lợi nhuận vừa phải để có mức giá phù hợp với xu thế thị trường thế giới. Tôi cho rằng, chúng ta cần xem xét nghiêm túc lại cả cơ chế thị trường xăng dầu hiện nay, đó là cơ chế còn nửa vời khi thị trường hóa mà Petrolimex lại có vị trí độc quyền.
Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả thị trường, Bộ Tài chính)

 
Quyết định giảm thuế này cũng cần được áp dụng sớm, hợp tính “thời sự” của giá dầu thô vốn biến động từng ngày. Nếu để đến lúc giá dầu thô trên thế giới nhích lên mà Nhà nước giảm thuế thì không còn ý nghĩa nữa.
 
Còn nhớ, trước đây, mỗi khi đưa ra lý do giảm giá nhỏ giọt, các DN xăng dầu đều nại lý do: chờ thuế. Tâm lý chung của các DN này là sợ nếu giảm giá mạnh trong khi thuế lại tăng, DN sẽ rơi vào tình trạng lỗ lớn. Trong cơ chế phải “xin phép” tổ giám sát giá xăng dầu của Liên bộ Tài chính - Công Thương hiện nay thì giảm giá là dễ, còn tăng giá sẽ khó được chấp thuận.
 
Đơn vị chiếm tới 60% thị phần xăng dầu hiện nay là Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho biết, chưa có chính sách giảm giá mặt hàng nào.

Mặt hàng xăng lỗ lớn?
 
Với mặt hàng xăng, các doanh nghiệp đều đồng loạt kêu lỗ. Đây là chuyện khó tin trong bối cảnh xu hướng giá dầu thô được dự báo còn giảm nữa, thậm chí, có thể ở ngưỡng 20-30 USD/thùng. Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô hôm qua, 2-2, ông Vương Đình Dung khẳng định, mặt hàng xăng của DN này đang lỗ tới 1.000đ/lít trong nửa tháng qua. Nguyên nhân là do trong vòng 20 ngày qua, giá dầu thô thế giới nhích lên tới 50 USD/thùng, thậm chí, có lúc gần đạt mức 60 USD/thùng.
 
Tuy nhiên, nếu xem xét cơ cấu giá thành xăng thì với mức giá dầu thô là 30-40 USD/thùng, giá xăng tương ứng 8.600đ - trên 10.000đ/lít, nghĩa là, các DN vẫn đang có lãi.
 
Hiện nay, chi phí đầu vào của một lít xăng bao gồm 35% thuế nhập khẩu, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế VAT, 500đ chi phí kinh doanh, 150đ/lít lợi nhuận định mức, 1.000đ/lít trả nợ ngân sách tạm ứng bù lỗ, 500đ/lít Quỹ bình ổn giá, 1.000đ/lít phí xăng dầu, hơn 500đ chi phí hoa hồng cho đại lý.
 
Có thể thấy rằng, “thủ phạm” khiến cho DN kêu lỗ và hy vọng giảm giá bán lẻ xăng dầu trở nên mong manh là chính sách thuế quá cao. Trong việc đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên (Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng), Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ, giá thế giới đã giảm lâu như vậy thì Nhà nước cần giảm thuế để kích cầu.
 
Không nên bắt người dân phải gánh chịu giá cao. Việc giảm thuế sẽ dẫn tới việc thất thu ngân sách Nhà nước nhưng trong bối cảnh cần kích cầu đầu tư, việc giảm thuế sẽ vừa tạo cơ hội gỡ khó cho DN, vừa kích thích tiêu dùng.
 
Về lâu dài, đó sẽ là động lực cho các DN mau chóng phục hồi sản xuất, đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn.
 
Đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng khẳng định, chỉ cần giá xăng dầu giảm thêm từ 1.000-2.000đ/lít thì chắc chắn, giá cước sẽ giảm mạnh. Hiện nay, giá xăng dầu chiếm tới 40-45% chi phí vận tải.
 
Cũng cần lưu ý rằng, nếu như Chính phủ chấp thuận phương án của Bộ Công Thương về giá điện, giá than thì ngay quý I này, thị trường sẽ phải chịu thêm gánh nặng tăng 9,8% giá điện. Giá gas cũng rục rịch nhích lên vài chục nghìn đồng do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, giá gas thế giới tăng.
 
(An ninh thủ đô)

ĐỌC THÊM