Hiện các nhà giao dịch dầu mỏ đã không còn nghĩ đến kịch bản thị trường dư cung trong năm nay, trong bối cảnh OPEC cắt giảm sản lượng và Venezuela phải gánh chịu các đòn trừng phạt của Mỹ.
Một cơ sở khai thác dầu tại Caracas, Venezuela. Ảnh: AFP/TTXVN
Những diễn biến gần đây đang khiến cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo tại Venezuela thêm trầm trọng. Thủ lĩnh đối lập của Venezuela, ông Juan Guaido, tự phong là “tổng thống lâm thời” của nước này. Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5/2018 cho rằng đây là một âm mưu đảo chính.
Mỹ và một số nước phương Tây bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Guaido, đã gửi "tối hậu thư" tới Tổng thống Maduro, yêu cầu tiến hành bầu cử tổng thống trước thời hạn. Trong khi đó, các nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng về phía Tổng thống Maduro.
Vòng trừng phạt mới nhất mà Washington đánh vào Caracas đã loại bỏ phần lớn hoạt động xuất khẩu dầu của Venezuela sang Mỹ, có thể đẩy quốc gia Nam Mỹ này đến bờ vực sụp đổ. Ở thời điểm trước khi phải hứng chịu đòn trừng phạt này, sản lượng dầu của Venezuela đã rơi tự do, giảm xuống mức 1,1 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2018, thấp hơn 40% so với mức trung bình hàng ngày trong năm 2017.
Theo các chuyên gia phân tích trong ngành, sản lượng dầu – vốn đóng vai trò sống còn về kinh tế đối với chế độ Maduro – có nguy cơ giảm xuống dưới mốc 900.000 thùng/ngày. Con số này thấp hơn gần 20% so với mức sản lượng của tháng 12/2018 và có thể quy cho tác động của đợt trừng phạt mới nhất của Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt chủ yếu được thiết kế để ngăn không cho chế độ Maduro được hưởng lợi về tài chính và nhận tiền bán dầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PDVSA.
Tốc độ sụp đổ của ngành dầu mỏ Venezuela còn được đẩy nhanh hơn khi lực lượng lao động có tay nghề đi tìm mức lương cao và điều kiện làm việc tốt hơn tại các nước sản xuất dầu mỏ lớn như Iraq, Kuwait và Nigeria.
Tình trạng thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các mỏ dầu của Venezuela, kết hợp với việc khan hiếm lao động có tay nghề, tiếp tục gây sức ép lên hoạt động sản xuất dầu của nước này. Kết hợp nhiều lý do, sản lượng dầu của Venezuela có thể sụt giảm với tốc độ mạnh hơn dự kiến.
Các biện pháp trừng phạt của Nhà Trắng đã làm giảm nhập khẩu dầu của Venezuela vào thị trường Mỹ. Tình trạng này khiến nhiều nhà máy lọc dầu của Mỹ phải vật lộn để tìm nguồn dầu thô chua, nặng để thay thế.
Dầu thô chua, nặng chiếm phần lớn trong sản lượng dầu của Venezuela, là nguồn cung cấp chủ chốt cho các cơ sở lọc dầu của Mỹ, đặc biệt là ở khu vực Gulf Coast, duyên hải vịnh Mexico.
Tình hình này dự kiến sẽ đẩy tăng nhu cầu cũng như giá của loại dầu thô nặng của Canada có tên là Western Canadian Select (WCS). Giới chuyên gia đánh giá đây sẽ là một “cú huých” đối với ngành công nghiệp cát dầu.
Trên thực tế, vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ hồi cuối tháng 1/2019 đã giúp nâng giá dầu và thu hẹp khoảng cách giữa giá dầu WCS với giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI).
Nhu cầu dầu thô tăng (từ phía Mỹ) có thể khiến quyết định cắt giảm sản lượng của chính quyền tỉnh Alberta, Canada trở nên không cần thiết.
Hồi trung tuần tháng 12/2018, Chính phủ Canada đã công bố gói hỗ trợ tài chính 1,6 tỷ CAD (1,2 tỷ USD) dành cho ngành dầu mỏ ở khu vực miền Tây nước này. Ngành dầu mỏ của Canada thời gian gần đây đã phải vật lộn với giá dầu thấp và tình trạng sản lượng vượt xa công suất vận chuyển của hệ thống đường ống dẫn dầu.
Mục tiêu của gói hỗ trợ trên nhằm giúp các doanh nghiệp Canada đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tài nguyên, không chỉ tập trung vào thị trường Mỹ. Canada hiện là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư thế giới, và điểm đến của dầu mỏ Canada chủ yếu là thị trường Mỹ./.
Nguồn tin: bnews.vn