Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu Việt có 'lệch nhịp' thế giới?

Việc điều chỉnh giá xăng dầu thời điểm này bị nhiều chuyên gia đánh giá thiếu hợp lý, làm dấy lên tranh cãi nên bỏ hay giữ quỹ bình ổn xăng dầu? 

Gần 1 tháng nay, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm mạnh do những biến động của nền kinh tế. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước vẫn “án binh bất động”.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, tình trạng này xuất phát từ những bất cập tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP về cơ chế điều hành giá xăng dầu nặng về hành chính, thiếu tính thị trường. Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm phương án thì doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp tục phải hứng chịu những bức xúc, thiệt thòi.

Liên quan đến vấn đề quản lý giá xăng dầu hiện nay, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đã đến lúc bỏ quỹ bình ốn giá xăng dầu.

Trả lời VTC News, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. “Mỗi lít xăng hiện nay đang phải cõng quá nhiều thuế phí, trong đó có quỹ bình ổn, trong khi chi phí cho nhiên liệu trên một chuyến đi thường chiếm 30-40% tổng chi phí, thậm chí có thể vượt mốc 40%”, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ.

Cũng theo vị đại diện này, thực chất quỹ bình ổn xăng dầu là của chính người mua xăng dầu bỏ ra nhằm “bình ổn” giá xăng dầu cho chính thị trường. Tuy nhiên, hoạt động của quỹ thiếu hiệu quả. Việc điều chỉnh giá xăng dầu bất hợp lý, tăng mạnh nhưng giảm nhỏ giọt khiến doanh nghiệp bức xúc.

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Vấn đề tăng, giảm giá xăng dầu theo xu hướng thị trường của thế giới, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú là điều tất yếu. Tuy nhiên, ông Phú lại đặt ra các vấn đề về tính cạnh tranh, minh bạch trong điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay. “Cùng với đó, tính lợi nhuận của ngành xăng dầu cũng là dấu hỏi lớn”, ông Phú nói.

Theo ông Phú, sự độc quyền của Petrolimex – đơn vị hiện đang chiếm trên 40% thị phần của ngành xăng dầu Việt Nam hiện nay – cũng sẽ khiến thị trường này mất đi tính cạnh tranh. Nếu muốn thả giá xăng dầu Việt Nam theo thị trường thế giới thì cần phá bỏ thế độc quyền xăng dầu trong nước.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng vẫn nên giữ lại quỹ bình ổn giá xăng dầu để phục vụ công tác điều hành giá cả.

Tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết, quỹ bình ổn được duy trì để phòng khi giá thế giới có biến động, giá xăng dầu trong nước sẽ không bị tăng cao, tránh dẫn đến tình trạng lạm phát. Theo TS Long, quỹ bình ổn giá xăng dầu là một trong những chiến lược hướng tới sự bình ổn về kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Kể từ đầu năm 2019 đến ngày 15/8, giá xăng trong nước được điều chỉnh 15 lần với 7 lần tăng, 5 lần giảm và 3 lần giữ nguyên giá. Tổng cộng, xăng tăng khoảng 18% từ mức giá 17.750 đồng/lít lên 21.010 đồng/lít; dầu diesel tăng với mức tương tự, từ 15.000 đồng/lít lên 17.230 đồng/lít.

Cùng thời điểm này, giá dầu thế giới WTI tăng trên 10%. Đáng chú ý, kể từ đầu năm đến khoảng giữa tháng 4.2019 có một nhịp giá dầu tăng khá mạnh, từ khoảng 45 - 46 USD/thùng lên 66 USD/thùng, kéo giá xăng trong nước tăng mạnh. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2019 đến ngày 15/8, dầu liên tục lao dốc, hiện chỉ còn đứng ở mức 55 USD/thùng. Trong khi đó, giá xăng trong nước có 4 lần tăng, 3 lần giảm theo xu hướng “tăng nhiều, giảm ít”.

Cơ chế điều hành giá xăng dầu trong nước vì thế bị nhiều ý kiến cho là có sự "lệch lạc" so với thị trường thế giới. Điều này không chỉ làm khó doanh nghiệp mà còn khiến người tiêu dùng Việt Nam chịu thiệt thòi khi phải mua giá xăng cao hơn so với thị trương chung của thế giới.

Nguồn tin: vtc.vn

ĐỌC THÊM