Người ta nói rằng, muốn trở thành thuyền trưởng thì điều đầu tiên là phải biết lau nhà vệ sinh, còn học giỏi mấy ở trong trường cũng không quan trọng.
Ồ, hóa ra nghề thủy thủ cũng giống nghề thợ khoan dầu khí, tốt nghiệp đại học ra trường với tấm bằng cử nhân, thậm chí thạc sĩ trên tay, nhưng vẫn phải học cách quét sơn, cạo gỉ, vặn bu-lông. Trong nghề thủy thủ, không có chuyện “đi” tắt mà bao giờ cũng phải theo từng nấc đi lên từ thủy thủ rồi lên trưởng ca, trưởng kíp; lên đại phó ba, đại phó hai, đại phó nhất rồi mới lên được đến thuyền trưởng.
Nghĩa là, một người tốt nghiệp đại học về tàu làm nếu lên được vị trí thuyền trưởng trong mọi điều kiện cực kỳ thuận lợi và là người có tài, có đầy đủ phẩm chất, yếu tố của một thuyền trưởng thì nhanh nhất cũng phải hết 10 năm. Đó là chưa kể 2 năm đầu phải làm thủy thủ tập sự. Cho nên, trên thế giới cũng như ở Việt Nam những thuyền trưởng nào ngoài 30 tuổi trên những con tàu chở hàng, chở dầu hàng chục đến cả trăm ngàn tấn như ở tàu Athena thì đó là điều cực hiếm.
Làm thủy thủ trên tàu chở dầu, ngoài việc vận hành cho con tàu “đi đến nơi, về đến chốn” thì mỗi người còn phải là rất thạo những nghề cơ khí và nghề… làm vệ sinh công nghiệp. Anh em trên tàu rất ít khi “rách việc”, bởi lẽ con tàu là một cỗ máy khổng lồ với nhiều ngành nghề khác nhau, cho nên lúc nào họ cũng có việc phải làm, nhất là đối với những con tàu vào tuổi “trung niên” như Athena hoặc bắt đầu “lên lão” như Hercules.
Nắng, gió biển là thứ luôn dư thừa đối với tàu biển, tạo cảm hứng lãng mạn cho người đến… chơi, còn đối với thuyền viên, thì đó là “kẻ thù”. Nhìn anh em đang lăn sơn chống gỉ cho sàn tàu, được che chắn chống nắng kín đến mức chỉ hở mỗi đôi mắt, thì mới biết nỗi cực nhọc của người thủy thủ là thế nào. Thậm chí, như ở tàu Athena, anh em tự bảo dưỡng được cả động cơ, thay pít-tông, trục khuỷu…
Cũng do một sự tình cờ là trong ngày chúng tôi đang làm việc trên tàu Athena thì tàu Hercules về đỗ ngay bên cạnh. Nói là “bên cạnh” nhưng khoảng cách giữa hai tàu cũng phải tới 4km. Tôi hỏi thuyền trưởng rằng, sao không nói anh em Hercules đỗ gần lại đây rồi tối nay mời anh em bên đấy sang bên này chơi? Có lẽ bị ám ảnh bởi xem phim khoa học của Mỹ về vận chuyển hàng hóa từ tàu vận tải lên tàu chiến tôi bảo cho hai tàu đỗ cạnh nhau rồi bắc thang trèo sang. Các anh cười và bảo, tàu quân sự họ có thể làm được như vậy là khi họ đang chạy trên biển và các con tàu được thiết kế tính toán để làm nhiệm vụ vừa chạy vừa chuyển hàng hóa cho nhau, còn với tàu chở dầu này thì phải cách thật xa. Vì hai con tàu lớn như thế này đỗ gần nhau nhỡ sóng gió làm trôi dạt thì thật là đại họa.
Trời sâm sẩm tối, các sĩ quan của tàu Hercules sang, hóa ra anh em bên ấy sang bên này để dự lễ kết nạp Đảng. Thuyền trưởng Bùi Đình Điệp, Máy trưởng Vũ Văn Đương, Đại phó Lã Xuân Định và Máy hai Nguyễn Văn Khoan đi ca-nô rồi leo thang dây lên, anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng và họ nói, ở trong công ty với nhau hàng bao nhiêu năm nhưng đây là lần đầu tiên trên biển mà thủy thủ hai tàu được gặp nhau.
Bùi Đình Điệp là thuyền trưởng trẻ nhất trong lịch sử của PV Trans, anh được đề bạt Thuyền trưởng khi chưa đến 33 tuổi. Điệp trước đây cũng là “lính đánh thuê” cho tàu nước ngoài giống như Nguyễn Thế Việt, cũng từng bôn ba làm cho các hãng tàu Nhật, Hàn Quốc và các anh cũng kéo về PV Trans hội tụ từ bỏ mức lương cao ngất ngưởng ở nước ngoài.
Thuyền viên làm việc trên tàu
Tôi có hỏi các anh rằng, tại sao lại từ bỏ mức lương đang rất cao về nhận mức lương thấp còn không quá nửa thì các anh nói rất giản dị rằng, về làm cho mình đúng là có nghèo hơn thật nhưng vài ba tháng còn được trông thấy mặt vợ con, còn đi tàu nước ngoài nhiều khi vợ đẻ không biết, đến lúc về đến nhà thì con đã lẫm chẫm biết đi. Hơn nữa, mình làm cho công ty của mình dù có nghèo một chút nhưng vẫn thấy ấm áp, yên tâm và có chút tự hào là mình đang được đóng góp công sức cho sự phát triển của công ty. Kiếm được nhiều tiền là tốt, nhưng đó chưa phải là tất cả, mà đối với người thủy thủ, được làm việc ở môi trường mà họ thấy bớt cô đơn, bớt lo lắng mới là quan trọng nhất.
Để anh em nói những lời rất thật này, đối với lãnh đạo PV Trans và lãnh đạo các công ty là rất không đơn giản. Phải mất khá nhiều thời gian các anh mới xây dựng được một phong cách văn hóa PV Trans: Lấy người lao động là trung tâm, tạo môi trường làm việc đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thế mới có chuyện là có anh thuyền viên đang ở Trung Đông, ở nhà vợ đẻ, cán bộ Công đoàn PV Trans đến túc trực tại nhà hộ sinh, cùng gia đình lo cho mẹ tròn con vuông, rồi thông báo cho thuyền viên.
Công đoàn PV Trans, trong nhiều năm qua đã trở thành chiếc cầu nối giữa gia đình và thuyền viên. Nhiều cán bộ công đoàn đã trở thành người thân của gia đình thuyền viên, bởi lẽ, bất cứ lúc nào họ cũng mang đến cho gia đình thuyền viên những thông tin về người thân, động viên, an ủi, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ. Quả thật, với một đơn vị có gần 900 thuyền viên, trong đó có hơn năm chục người đang được “biệt phái” đi “đánh thuê” cho các hãng tàu nước ngoài, thì để công đoàn trở thành chỗ dựa tin cậy cho mọi người là chuyện rất không dễ.
Gần đây, lãnh đạo PV Trans đã có một chủ trương mang tính chiến lược rất sáng tạo, ấy là “xuất khẩu thuyền viên”. PV Trans ký hợp tác với một số hãng tàu lớn và cung cấp thuyền viên cho họ. Cách làm này rất hay ở chỗ là tạo điều kiện cho thuyền viên tiếp xúc, làm việc trên những con tàu hiện đại, có công nghệ mới, tiếp thu cách quản lý, vận hành tiên tiến của họ, đồng thời nâng cao trình độ ngoại ngữ và khi về, hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu mới của đội tàu. Còn về kinh tế, thì đội quân “xuất khẩu” này còn đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho PV Trans. Nhưng càng nhiều người đi xa thì Công đoàn PV Trans càng phải làm tốt hơn công tác “hậu phương thủy thủ”.
***
(Xem tiếp kỳ sau)