Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chuyện trên tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam (Kỳ 1)

 Chúng tôi ra tàu Athena vào đúng ngày gió mùa Đông Bắc tràn về. Biển động mạnh, gió cấp 7, cấp 8. Chiếc ca-nô hoa tiêu chở chúng tôi ra mà cứ nhoi nhóp trên mặt biển cuộn sóng hệt như một chú vịt đang bập bềnh.

Tàu Athena đổ cách bờ thành phố Vũng Tàu chỉ khoảng 7 hải lý, bình thường lúc biển lặng thì đây là một khoảng cách “đẹp”, nhưng bây giờ giữa lúc biển đang gầm gào sóng, đi ra được bằng ca-nô nhỏ quả thật không đơn giản.


Tàu chở dầu Athena

Thấy biển động, sợ không an toàn nên Tổng giám đốc PV Trans Phạm Việt Anh đang công tác tại Singapore khuyên chúng tôi nên để dịp khác. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đi, bởi lẽ biết bao giờ tàu Athena mới lại về cảng. Hôm trước anh Trần Minh Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Tàu biển của PV Trans bảo tôi rằng, tàu Athena đã đi hơn 3 tháng rồi, bây giờ mới dừng mà cũng chỉ có 2 ngày thôi. Sau đợt này họ lại đi có khi đến tết mới về.

Trời ạ, nghề thủy thủ là thế, quanh năm suốt tháng xa nhà, với họ thời gian không bao giờ nói trước được. Chính vì vậy, mà tôi quyết định phải ra được tàu bằng mọi giá.


Nụ cười thuyền viên tàu Athena

Mũi ca-nô như dựng ngược trước con sóng, nặng nhọc trườn đi trên sóng cồn lên thành gò, thành đống.

Tàu mới chạy được 15 phút thì đã có người say nôn thốc nôn tháo. Khi đến gần nhìn thấy con tàu Athena sừng sững như một thành phố nổi trên biển, chúng tôi giật mình không hiểu sẽ lên tàu kiểu gì!

Tôi biết ở trên các giàn khoan, khi đưa người từ dưới tàu lên giàn người ta thường dùng cần cẩu để đưa người và hàng lên. Người yếu bóng vía khó có thể đủ dũng cảm để chui vào cái lồng rồi lõng thõng đong đưa theo gió kéo từ dưới tàu lên trên giàn khoan độ cao 50-60m. Nhưng biển động thế này làm sao chiếc ca-nô có thể cập được vào mạn tàu to mà từ dưới mặt biển lên đến con tàu cao bằng tòa nhà 5-6 tầng, hơn nữa, tàu dầu thì thường không có cần cẩu.

Công tác chuẩn bị được bắt đầu, chúng tôi phải mặc áo phao, còn tất cả hành lý thì sẽ được kéo lên sau. Từ trên boong tàu các thủy thủ thả xuống một chiếc thang dây và chúng tôi sẽ phải bám theo thang mà đu lên. Nhìn mà phát khiếp! Bởi lẽ leo ở đây không có gì để bảo hiểm cả. Tuột tay, nếu may mắn thì rơi tõm xuống biển, nguy hiểm nhất là bị rơi thẳng vào boong chiếc ca-nô đang ở phía dưới… Mà như vậy, thì tai nạn nghiêm trọng là cái chắc.


Lên tàu Athena

Được sự hò hét, động viên của anh em, tôi xung phong leo lên trước. Lại giống như lần leo lên đỉnh tháp khoan của giàn PVD 6, tôi cẩn thận, chậm rãi từng bước một, lên một đoạn tôi lại ngừng lại để lấy hơi rồi leo tiếp. Gió thổi mạnh, chiếc thang dây đung đưa... Nhưng rồi tôi cũng đã lên được đến nơi. Một cảm giác chiến thắng độ cao, chiến thắng sóng biển tràn ngập, anh em thủy thủ vây lấy tôi, xác nhận “Công nhận thần kinh bố già vững!”.

Thuyền trưởng Nguyễn Thế Việt, Máy trưởng Thái Lai và Đại phó Trần Văn Thường cùng anh em đón chúng tôi.

Định thần một lúc tôi mới thấy con tàu quả là “khủng”. Từ lâu, tôi được biết, PV Trans có đội tàu chở dầu thô lớn nhất Việt Nam gồm 3 con tàu là: Athena, Hercules và Mercury. Trong đó tàu Athena có sức chở lớn nhất là 105.000 tấn dầu. Còn hai con tàu kia bé hơn một chút. Tàu Mercury do Việt Nam đóng chỉ kém Athena 1.000 tấn. Ở Việt Nam không có tàu chở dầu nào lớn bằng 3 con tàu này.


Lạ thật, chả hiểu sao đội tàu lại có hai con tàu mang tên những nhân vật nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp. Athena là nữ thần về thủ công mỹ nghệ và cũng là nữ thần chiến tranh, người đã nghĩ ra mưu làm con ngựa gỗ để hạ thành Troi. Hercules là á thần, người có sức mạnh vô địch, lập 12 chiến công hiển hách và những ngày này, bộ phim “Huyền thoại Hercules” đang là bộ phim “bom tấn”, với diễn viên danh tiếng Dwayne Johnson đang thu hút sự chú ý của cả thế giới… Còn Mercury là Sao Thủy.

Tàu Athena có chiều dài chỉ kém tàu sân bay một chút với chiều dài của tàu là 243m, chiều rộng boong là 42m, chiều cao từ đỉnh tàu xuống dưới đáy cũng gần 40m. Trong bụng con tàu khổng lồ này có 12 hầm chứa dầu và nếu chở đủ tải trọng là 105.000 tấn. Tuy nhiên, theo thuyền trưởng Nguyễn Thế Hiển thì hiếm khi nào chở đủ mà thường chỉ chở từ 80.000-100.000 tấn.

Nghe nói 100.000 tấn dầu thì có vẻ “nhỏ”, đặc biệt là đối với người Dầu khí, vì họ đã quen với con số hàng triệu tấn dầu. Nhưng xin bạn đọc hãy tưởng tượng 100.000 tấn dầu là thế nào. Nếu dùng ôtô chở hết số dầu này thì phải cần 5.000 chiếc xe bồn, mỗi chiếc có tải trọng 20 tấn và mỗi chiếc xe bồn loại 20 tấn này thường có chiều dài khoảng 22m. Số xe này nếu xếp nối đuôi nhau thì sẽ trên một quãng đường dài hơn 100km.

Mỗi lần tàu ra Bạch Hổ để nhận dầu thì hết chừng hơn 36 tiếng đồng hồ mới bơm được 80.000-90.000 tấn dầu, rồi khi về đến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thì 4 máy bơm với công suất 2.500m3 một giờ cũng phải bơm liên tục trong khoảng 36 tiếng mới hết được số dầu.

Cũng phải nói thêm là đội tàu vận chuyển hàng lỏng của PV Trans hiện đang lớn nhất Việt Nam với 18 tàu, trong đó có 3 tàu chở dầu thô, 9 tàu chở dầu thành phẩm và hóa chất, 4 tàu chứa khí LPG và 2 tàu chứa dầu FSO, FDSO.


Hình nộm dọa cướp biển

Thuyền trưởng Nguyễn Thế Việt khoe với tôi rằng, vừa rồi các anh đã cùng với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất áp dụng cách bơm dầu mới để làm sao rút ngắn thời gian từ 36 tiếng xuống còn 24 tiếng. Và chuyến tàu mới đây vào trung tuần tháng 11 đã thành công. Để làm được điều này, các anh đã nghĩ ra một cách đó là làm tăng nhiệt độ của dầu trong két để dầu lỏng ra nên tốc độ bơm sẽ tăng lên và không bị tắc đường ống, do lượng dầu vón cục bởi nhiệt độ lạnh.

Bớt được 12 tiếng đồng hồ cho một lần xả dầu, con số đó xem ra chẳng đáng gì nhưng với những ai có chút hiểu biết về tàu biển thì thấy rằng, có thể tiết kiệm được khoảng 12.000USD. Bởi lẽ một con tàu như Athena chỉ cần nằm im trên mặt biển thì cũng đã tiêu tốn mỗi ngày 25.000USD. Còn khi tàu chạy thì mỗi một ngày chi phí cho tàu phải gần gấp đôi như thế.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguồn tin: Năng lượng Mới 479

ĐỌC THÊM