Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, việc Bộ Công Thương đề xuất lùi thời điểm áp dụng tăng thuế môi trường đối với xăng dầu đúng vào tháng Chạp và tháng Giêng tới sẽ làm giảm sức ép đối với chi phí vận tải, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Hoãn tăng thuế để giảm sức ép cạnh tranh cho doanh nghệp
Vừa qua, Uỷ ban Thương vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay.
Dầu hỏa sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng/lít từ đầu năm 2019, tăng 700 đồng so với hiện nay. Ngoài ra, thuế môi trường với dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu mazut cũng tăng lên 2.000 đồng/lít, thay cho mức 900 đồng hiện hành.
Bộ Công Thương kiến nghị xem xét lại thời điểm tăng thuế bảo vệ mội trường xăng dầu (Ảnh: Người Lao động)
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải kiến nghị xem xét lại thời điểm tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (tăng thêm 1.000 đồng) có hiệu lực từ 1/1/2019.
Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, thời điểm này sẽ rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng sẽ làm tăng giá xăng dầu lên cao, tác động tới việc kiểm soát CPI của năm 2019 và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
Trao đổi với PV, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, việc Bộ Công Thương đề xuất lùi ngày tăng thuế xăng dầu sẽ làm giảm sức ép đối với chi phí vận tải và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
“Tôi nghĩ rằng việc hoãn tăng thuế môi trường xăng dầu chưa phải là giải pháp. Nhưng tôi cũng ủng hộ việc nên hoãn để làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp của các nước ASEAN”, ông Lê Đăng Doanh nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (Ảnh: Tiền Phong)
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đặc biệt lưu ý rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang cạnh tranh với các doanh nghiệp của các nước ASEAN ngay trên sân nhà.
“Không nên nghĩ rằng doanh nghiệp Việt Nam ở sân nhà mà các doanh nghiệp nước ta đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các doanh nghiệp của Thái Lan, Malaysia. Cho nên, trước khi nâng các chi phí, có quyết định gì đó thì hãy so sánh với các nước ASEAN khác xem doanh nghiệp của mình có thể cạnh tranh như thế nào”, ông Lê Đăng Doanh khẳng định.
“Có lẽ, Bộ Công Thương đã có tham khảo và tôi hoan nghênh ý kiến nên hoãn, để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh, chuẩn bị và cũng là để tránh đúng vào dịp Tết thì giá cả mọi thứ sẽ tăng. Và điều này cũng rất không thuận lợi cho chúng ta”.
Các vấn đề về thuế cần được giải trình minh bạch
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: “Tất cả các Bộ từ Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khi có những đề xuất liên quan đến vấn đề thuế hoặc đánh thuế, hoặc lùi thời hạn thuế cần được giải trình một cách minh bạch”.
“Phải đưa ra các luận chứng tại sao lại phải đánh thuế, tại sao lại phải rời và hậu quả, tác động của việc đó tới ngân sách quốc gia như thế nào. Họ chưa có giải trình để mọi người đóng góp ý kiến.
Người muốn đánh thuế ngày 1/1/2019, người đòi hoãn lại đã tạo ra sự phân vân, có thể nói là khá rối trí đối với người dân là người ta có nên đánh thuế hay không”, ông Hiếu nói.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu (Ảnh: Infonet)
Vị chuyên gia kinh tế nhận định, Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế xăng dầu do ngân sách của Việt Nam hạn hẹp. Ông cũng cho rằng: "Bộ Tài chính phải có những giải trình, phân tích rằng nếu đánh thuế đối với xăng dầu thì ngân sách quốc gia sẽ được tác động tích cực như thế nào và được bổ sung bao nhiêu".
“Chẳng hạn như Bộ Công Thương nói chưa vội đánh thuế môi trường xăng dầu thì tác động của nó sẽ như thế nào đến ngân sách? Bất cứ một quyết định nào cũng cần phải được giải trình để có cơ sở vững vàng thuyết phục người dân rằng việc đóng thuế hoặc rời lại đấy có hợp lý hay không”, ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu là phù hợp khi tiền thuế đó sử dụng cho môi trường, đầu tư về hạ tầng cơ sở liên quan đến môi trường, sửa chữa hạ tầng giao thông.
“Nếu như được sử dụng một cách hợp lý và có kỉ luật tài chính thì việc đánh thuế là nên.Tuy nhiên việc chúng ta bỏ ngỏ việc sử dụng thuế như thế nào không giải trình cho quốc dân biết thì việc đánh thuế không có cơ sở nào để thuyết phục người dân được”, ông Nguyễn Trí Hiếu nêu.
Nguồn tin: vietnammoi.vn