(TBKTSG Online) - Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) khép lại cuối tuần qua với việc Thủ tướng Anh David Cameron đạt được gói cải cách có lợi cho Anh, mở đường cho Anh tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU vào ngày 23-6.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu ông Cameron không thuyết phục được các cử tri ở lại EU, thị trường tài chính Anh sẽ phải đối mặt với một cú sốc và nền kinh tế nước này khó tránh khỏi kịch bản tăng trưởng chậm lại đáng kể.
Thị trường tài chính Anh đối mặt với cú sốc
Tại thời điểm này, những thông tin liên quan đến việc Anh đi hay ở lại EU đã làm các thị trường tài chính, tiền tệ của Anh biến động ít nhiều, trong đó dễ nhận thấy nhất là tác động đối với đồng bảng Anh. Ngày 22-2, bảng Anh so với đô la Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2009, ở mức 1 bảng Anh đổi 1,4059 đô la Mỹ, sau khi Thị trưởng London Boris Johnson tuyên bố ủng hộ nhóm vận động rời khỏi EU.
Theo nhà kinh tế David Page thuộc AXA Investment Managers, những bất ổn xung quanh việc liệu Anh có rời EU (còn gọi là “Brexit”) ước tính làm giá bảng Anh giảm tối thiểu 3,5%. Bảng Anh có thể tiếp tục rớt giá mạnh, tối thiểu 10%, nếu Brexit xảy ra. Với mức giảm 3% từ đầu năm 2016 đến nay, bảng Anh là đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong số các đồng tiền chủ chốt của thế giới.
Các thị trường cổ phiếu nhiều khả năng cũng sẽ rớt giá trong bối cảnh tăng trưởng yếu và điều kiện xuất khẩu khó khăn hơn có thể tác động bất lợi đến một số lĩnh vực như tài chính, xuất khẩu, bán lẻ và bất động sản. Vào thời điểm dư luận tại Anh vẫn chia rẽ xung quanh vấn đề ủng hộ hay không việc Anh rời EU, các khách hàng mua trái phiếu trên toàn cầu, chủ yếu tại châu Á, châu Âu và Mỹ, đã bắt đầu e ngại về tác động của Brexit đối với các công ty và ngân hàng của Anh nói riêng và hệ thống ngân hàng châu Âu nói chung.
Nền kinh tế Anh bị đe dọa
Giới phân tích lưu ý việc Anh rời EU sẽ tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế và đầu tư, gây khó khăn cho nỗ lực của chính phủ trong việc giảm thâm hụt ngân sách, trong khi người dân Anh khó lòng duy trì mức chi tiêu hiện nay một khi chi phí nhập khẩu tăng.
AXA Investment Managers cho rằng nếu Brexit xảy ra, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, theo đó có thể hạ lãi suất xuống mức 0%, nhưng ít khả năng lãi suất sẽ bị đẩy xuống ngưỡng âm.
Nhà chiến lược tín dụng Zoso Davies thuộc Ngân hàng Barclays (Anh) đánh giá Brexit là nhân tố phức tạp đối với giới đầu tư vào thời điểm họ đã đủ mệt vì những xáo động trên các thị trường tài chính toàn cầu từ đầu năm đến nay.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 22-2 nhận định thiệt hại về kinh tế từ việc Anh quyết định rời EU sẽ lớn hơn những lợi ích kinh tế mà nó đem lại. Nếu Anh không đàm phán được một thỏa thuận thương mại với EU nhằm giữ lại ít nhất được một số lợi ích thương mại, xuất khẩu của Anh sẽ chịu tổn thất và tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư. Đồng thời, Moody’s cho biết sẽ cân nhắc hạ mức đánh giá triển vọng tín nhiệm của Anh xuống mức tiêu cực nếu nước này bỏ phiếu rời khỏi EU.
Các công ty lớn như BT, Marks &Spencer và Vodafone cùng ký vào một lá thư đăng trên tờ Times, nói việc rời khỏi EU có thể khiến đầu tư vào Anh giảm.
Các ngân hàng lớn dự báo việc rời khỏi EU sẽ làm thiệt hại 2,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh, thậm chí đẩy nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái.
Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo việc rời khỏi EU "có thể làm tổn thương người lao động trong nhiều năm tới" khi thuyết phục các nghị sĩ về việc ở lại EU. Trước đó, Citibank dự báo Anh có thể mất 75.000 việc làm vào năm 2030 nếu rời khỏi EU.
Bác khả năng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai
Trong diễn văn dài 2 giờ rưỡi tại Hạ viện, ông Cameron bảo vệ thỏa thuận mà ông đã đàm phán với 27 nước khác của EU và tuyên bố thỏa thuận này sẽ cho Anh "vị thế đặc biệt" trong EU hoặc "có hậu quả khôn lường" nếu rời EU.
Thị trưởng London Boris Johnson - nghị sĩ đảng Bảo thủ - khước từ đề nghị ở lại EU của ông Cameron, đồng thời nhấn mạnh ông hoài nghi về những lợi ích của tư cách thành viên EU từ lâu và Anh có một "tương lai xán lạn" bên ngoài liên minh. Ông Johnson cho rằng không có cuộc nội chiến trong đảng Bảo thủ về vấn đề này kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.
Thủ tướng Cameron bác bỏ khả năng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai và nói nếu người dân Anh chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6, điều 50 của Hiệp ước Lisbon sẽ được áp dụng và quy trình rời khỏi EU sẽ khó đảo ngược.
Ngoài ra, việc rút khỏi một tổ chức khu vực mạnh hàng đầu thế giới như EU cũng mang lại mất mát khôn lường cho sức ảnh hưởng Anh trên toàn cầu. Đó là chưa kể nguy cơ Anh sẽ bị thành viên quan trọng trong Liên hiệp Vương quốc Anh là Scotland “ly khai” bởi Scotland ủng hộ EU.
Theo thăm dò của BBC, 142 nghị sĩ đảng Bảo thủ sẽ vận động cho việc ở lại EU, 120 nghị sĩ muốn rời khỏi EU, trong khi 68 nghị sĩ chưa thể hiện quan điểm. Đa số nghị sĩ đảng Lao động cũng như đảng SNP, Plaid Cymru, Dân chủ Tự do ủng hộ việc tiếp tục là thành viên EU, trong khi UKIP phản đối.
Bi kịch cho EU
Anh là một trong những thành viên đầu tiên, có tiềm lực kinh tế mạnh hàng đầu và ảnh hưởng lớn trong EU.
Việc một thành viên quan trọng và có ảnh hưởng như Anh rời khỏi EU sẽ là bi kịch cho liên minh gồm 28 thành viên này - Thủ tướng Pháp Manuel Valls phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ) mới đây.
Bên cạnh đó, việc một cường quốc tầm cỡ thế giới chứ không riêng ở châu Âu như Anh (nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, thành viên quan trọng của G-7, G-20, “đầu não” của Khối thịnh vượng chung gồm 54 thành viên…) rời bỏ sẽ làm sa sút nhất định vai trò, ảnh hưởng và tiếng nói của EU trên toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh EU đang cần xốc lại sự đoàn kết và sức mạnh chung để giải quyết các thách thức lớn đang đặt ra cho liên minh như vấn đề nhập cư, khủng hoảng nợ công… thì sự “ly khai” của Anh có thể làm cho tình hình tồi tệ thêm.
Nguồn tin: thesaigontimes.vn