Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chương trình nghị sự Net-Zero mâu thuẫn với nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng nhanh

 

“Thực tế là thế giới dự kiến cần nhiều năng lượng hơn, chứ không phải ít năng lượng hơn,” Giám đốc điều hành của BP, Bernard Looney cho biết vào tuần trước, giải thích lý do tại sao công ty mà ông lãnh đạo lại đặt mục tiêu phát triển các doanh nghiệp năng lượng carbon thấp và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc sớm hơn.

Đánh giá của Looney rằng thế giới sẽ cần nhiều năng lượng hơn không chỉ là một đề tài tranh cãi đối với một công ty tiếp tục bơm dầu và khí đốt ngay cả khi công ty này đã cam kết trở thành một doanh nghiệp không phát thải ròng trong vòng ba thập kỷ. Mỗi dự báo hiện nay, từ BP đến Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đều dự đoán mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp trên thế giới ngày càng tăng cho đến năm 2050.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đô thị hóa, tiếp cận điện tăng và công nghệ nấu ăn sạch cơ bản cho hàng tỷ người ở các nước đang phát triển, cũng như tăng trưởng nhu cầu năng lượng ở các quốc gia đang phát triển để thu hẹp sự bất bình đẳng so với khả năng tiếp cận năng lượng của thế giới thứ nhất, dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ năng lượng sơ cấp cao hơn vào năm 2050.

Mặc dù có tốc độ phát triển nhanh chóng, năng lượng tái tạo và công nghệ không carbon vẫn chưa có khả năng đáp ứng tất cả nhu cầu năng lượng ngày càng tăng đó. Điều này để lại dư địa nhiều hơn cho nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng mức tăng trưởng tiêu thụ năng lượng còn lại, và do đó, làm phức tạp thêm nỗ lực của thế giới và các công ty năng lượng nhằm giảm lượng khí thải và cuối cùng là khả năng đạt được net-zero.

Có thể giảm phát thải mà không có gián đoạn lớn không?

Thách thức lớn nhất phía trước là giảm lượng khí thải đồng thời đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho thế giới mà không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và cuộc sống của người dân.

Chắc chắn, cách dễ nhất để cắt giảm khí thải là cắt giảm khai thác và tiêu thụ dầu khí. Tuy nhiên, xét đến việc nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm hơn 80% tổng năng lượng toàn cầu, việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện nay sẽ làm gián đoạn cuộc sống của hàng tỷ người, trong khi các nguồn năng lượng carbon thấp thậm chí sẽ không đáp ứng được khoảng trống nhu cầu mà nhiên liệu hóa thạch sẽ để lại.

"Thách thức là giảm lượng khí thải mà không gây ra gián đoạn và thiệt hại lớn cho cuộc sống hàng ngày và sinh kế", BP cho biết trong Đánh giá thống kê về Năng lượng Thế giới 2021 được công bố vào đầu tháng Bảy.

Theo đánh giá thống kê của BP, do đại dịch, tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu đã giảm 4,5% xuống còn 556,63 Exajoules (EJ) vào năm 2020, mức giảm lớn nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Nhu cầu năng lượng quay trở lại tăng trưởng sau khi Đại dịch xảy ra năm 2020

Tuy nhiên, sự sụt giảm có thể chỉ là một sự kiện xảy ra một lần vì tiêu thụ năng lượng đã phục hồi và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng. Trong thập kỷ 2009-2019, tốc độ tăng trưởng hàng năm trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp là 1,9%, theo ước tính của BP.

Theo tính toán của John Kemp, nhà báo của Reuters, nếu mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp tiếp tục tăng với tốc độ gần bằng với thập kỷ trước, nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 75% vào năm 2050 so với năm 2019.

Mức tiêu thụ năng lượng cao hơn này sẽ cần những nỗ lực lớn hơn để đạt được mức phát thải ròng bằng không, đặc biệt khi xét đến thực tế là ngay cả công suất năng lượng tái tạo đang tăng mạnh cũng không thể đáp ứng được nhu cầu điện đang gia tăng. Đó là đánh giá của IEA, trong báo cáo hồi tháng 5 đã đề xuất rằng net-zero 2050 sẽ không cần bất kỳ khoản đầu tư mới nào vào dầu, khí đốt và than đá sau năm 2021.

IEA cho biết tháng trước cũng sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng. Cơ quan này lưu ý rằng hiệu suất năng lượng cao hơn sẽ rất quan trọng để có thể đạt tới mức phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, hiệu suất năng lượng cao hơn khó có thể bù đắp được sự tăng trưởng trong tiêu thụ năng lượng.

Nhu cầu năng lượng tăng trở lại đã xóa sạch tiến độ giảm phát thải carbon so với năm ngoái, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu năng lượng thấp, chứ không phải do nỗ lực toàn cầu có ý thức đột phá để giảm lượng khí thải.

Trong đánh giá thống kê, BP cho biết lượng khí thải carbon từ việc sử dụng năng lượng giảm 6,3% vào năm 2020, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Cũng như đối với năng lượng sơ cấp, đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1945.

“Từ góc độ lịch sử, sự sụt giảm nhu cầu năng lượng và lượng khí thải carbon rõ ràng là rất đáng kể. Nhưng nhìn từ khía cạnh tương lai, tốc độ suy giảm lượng khí thải carbon được quan sát thấy trong năm ngoái tương đương với tốc độ thế giới cần trung bình hàng năm trong 30 năm tới để đạt được các mục tiêu khí hậu Paris”, BP cho biết.

“Có những dấu hiệu đáng lo ngại rằng lượng khí thải carbon giảm do COVID vào năm ngoái sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi nền kinh tế thế giới phục hồi và các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ. Thách thức là đạt được mức giảm phát thải bền vững, qua từng năm mà không gây ảnh hưởng lớn đến sinh kế cũng như cuộc sống hàng ngày của chúng ta”, Looney cho biết trong phần giới thiệu về đánh giá thống kê.

Khả năng tiếp cận toàn cầu với điện vẫn còn khó

Bất chấp sự phát triển vượt bậc về năng lượng tái tạo và tiến bộ trong những năm gần đây, vẫn có 759 triệu người sống mà không có điện, một báo cáo của IEA, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), Ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (UN DESA), Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vào tháng trước.

Hơn nữa, tỷ lệ dân số toàn cầu không được tiếp cận với công nghệ và nhiên liệu nấu ăn sạch là 66% vào năm 2019, khiến gần ba tỷ người, tức là một phần ba dân số toàn cầu không được tiếp cận, báo cáo cho thấy.

Khả năng tiếp cận các nhu cầu năng lượng cơ bản của hàng tỷ người khó có thể được đáp ứng chỉ bằng năng lượng tái tạo, vì tình trạng bất bình đẳng trong việc cung cấp năng lượng bền vững vẫn còn. Nhưng việc thu hẹp khoảng cách sự bất bình đẳng giữa các nền kinh tế phát triển- đang phát triển, sẽ tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ năng lượng toàn cầu cao hơn, ngay cả khi nhu cầu năng lượng ở các quốc gia công nghiệp phát triển nhất trì trệ. Điều này sẽ cần những nỗ lực lớn hơn, tập trung hơn và phối hợp hơn nữa từ mọi bên liên quan trong ngành năng lượng - từ các công ty năng lượng và người tiêu dùng đến các cơ quan đề xuất không đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch mới - để giảm lượng khí thải.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM