Sự phân hóa của các nhóm cổ phiếu khiến chứng khoán toàn cầu trái chiều nhau, trong khi đó, dù đồng USD tăng mạnh, nhưng cả giá vàng và dầu thô đều phục hồi nhẹ trong phiên cuối tuần qua.
Ảnh minh họa: AFP
Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, phố Wall chịu sức ép khi đồng USD lên mức cao nhất kể từ tháng 2 so với rổ tiền tệ chung khi khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 ngày càng lên cao. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu y tế và năng lượng cũng gây áp lực mạnh lên phố Wall, khiến Dow Jones và S&P 500 giảm điểm, tuy nhiên chỉ số Nasdaq lại có được mức tăng khá tốt khi cổ phiếu của Microsoft tăng lên mức cao nhất mọi thời đại. Ngoài ra, thông tin về thương vụ AT&T mua lại Time Warner với giá trị 87 tỷ USD giúp cổ phiếu cả 2 lên mức cao nhất 15 năm cũng hỗ trợ cho Nasdaq.
Kết thúc phiên 21/10, chỉ số Dow giảm 16,64 điểm (-0,09%), xuống 18.145,71 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,18 điểm (-0,01%), xuống 2.141,16 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 15,57 điểm (+0,30%), lên 5.257,40 điểm.
Sau 2 tuần giảm liên tiếp trong tháng 10, chứng khoán Mỹ đã có phiên phục hồi nhẹ trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,04%, chỉ số S&P 500 tăng 0,38% và chỉ số Nasdaq tăng 0,83%.
Cũng giống chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần qua do chịu tác động ngược nhau của các cổ phiếu cụ thể. Trong khi cổ phiếu SAP của nhà sản xuất phần mền Đức tăng mạnh 3,4% nhờ điều chỉnh dự báo lợi nhuận, thì cổ phiếu công ty sản nghe nhìn Technicolour của Pháp giảm tới 8% sau khi JP Morgan cắt giảm xếp hạng cổ phiếu này từ mức Overweight thành Neutral.
Kết thúc phiên 21/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 6,43 điểm (-0,09%), xuống 7.020,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 9,34 (+0,09%), lên 10.710,73 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 4,05 điểm (-0,09%), xuống 4.536,07 điểm.
Dù gặp khó khăn trong phiên cuối tuần, nhưng nhờ kết quả kinh doanh khả quan của nhóm ngân hàng và một số doanh nghiệp khác, chứng khoán châu Âu có tuần tăng thứ 2 liên tiếp trong tháng 10. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 0,1%, chỉ số DAX tăng 1,32% và chỉ số CAC 40 tăng 1,46%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã yếu đà dần về cuối phiên khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi kết quả kinh doanh của nhiều tập đoàn lớn được công bố trong tuần này. Kết thúc phiên cuối tuần qua, chỉ số Nikkei 225 đã chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp bằng phiên giảm nhẹ.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại có mức tăng nhẹ trong phiên cuối tuần khi nhóm cổ phiếu cơ sở hạ tầng tăng tốt, bù đắp lo lắng về việc đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm.
Kết thúc phiên 21/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 50,91 điểm (-0,30%), xuống 17.184,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,83 điểm (+0,22%), lên 3.091,29 điểm. Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch phiên cuối tuần.
Dù giảm nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng với những phiên tăng tốt trong tuần, chứng khoán châu Á đều có mức tăng tốt tuần qua. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,95%, chỉ số Hang Seng hồi phục 0,61% sau khi giảm 2,59% trong tuần trước, chỉ số Shanghai Composite tiếp tục tăng 0,90%.
Áp lực từ việc đồng USD tăng mạnh đã khiến giá vàng giảm trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, giá vàng dần phục hồi và chốt phiên cuối tuần qua với mức tăng nhẹ.
Kết thúc phiên 21/10, giá vàng giao ngay tăng 0,5 USD (+0,04%), lên 1.265,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,8 USD (-0,06%), xuống 1.266,7 USD/ounce.
Sau 3 tuần giảm liên tiếp, giá vàng đã có tuần hồi phục khá tốt trở lại trong tuần qua. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 1,22% và giá vàng giao tháng 12 tăng 1,21%.
Với tuần phục hồi tốt tuần qua và dù vẫn chịu áp lực lớn do đồng USD tăng mạnh, nhưng cả giới phân tích và đầu tư đều có cái nhìn lạc quan về giá vàng trong tuần này. Cụ thể, trong cuộc thăm dò của Kitco, trong 16 nhà phân tích và môi giới trả lời, có tới 10 người, chiếm tới 63% cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần này, cao hơn so với con số 53% của tuần trước, trong khi có 4 người, chiếm 25% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giảm và 2 người, 12% dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Tương tự, trong số 758 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, có 480 người, chiếm 63% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, cao hơn mức 54% của tuần trước, trong khi có 189 người, chiếm 25% dự báo giảm và số người dự báo giá vàng đi ngang hoặc có quan điểm trung lập là 89 người, chiếm 13%.
Giá dầu thô đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần qua khi giới đầu tư hy vọng Nga và OPEC sẽ đạt được thỏa thuận về việc giảm sản lượng. Cụ thể, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, ông sẽ đề xuất với Ả Rập Xê út, thành viên lớn nhất trong OPEC về biện pháp hỗ trợ giá dầu, trong đó bao gồm cả việc đóng băng sản lượng.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế do thông tin số lượng giàn khoan của Mỹ trong tuần trước đó tăng tới 11 giàn, tuần tăng trưởng 2 con số đầu tiên kể từ tháng 8.
Kết thúc phiên 21/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,22 USD/thùng (+0,43%), lên 50,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,40 USD (+0,77%), lên 51,78 USD/thùng.
Sau 4 tuần tăng liên tiếp và lên mức cao nhất 15 tháng, giá dầu thô đã trái chiều trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tiếp tục tăng 0,99%, thì giá dầu thô Brent điều chỉnh giảm nhẹ 0,33%.
Nguồn tin: Tinnhanhchungkhoan