Sau khi đồng loạt giảm điểm trong phiên cuối tuần trước, chứng khoán đã có diễn biến trái chiều trong phiên đầu tuần mới, trong khi giá vàng hạ nhiệt sau khi lên mức cao nhất 4 tuần.
Sau phiên đồng loạt giảm cuối tuần trước, phố Wall đã có sự trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ khởi sắc với kết quả kinh doanh khả quan, giúp Nasdaq lên mức cao kỷ lục, thì cả Dow Jones và S&P 500 vẫn duy trì đà giảm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe.
Theo thống kê của Thomson Reuters, hơn 1/5 số công ty trong S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý II với lợi nhuận trong quý dự kiến tăng 8,8%, cao hơn mức dự đoán 8% đưa ra đầu tháng. Riêng tuần này, có 190 công ty S&P 500 dự kiến sẽ báo cáo kết quả kinh doanh.
Kết thúc phiên 24/7, chỉ số Dow Jones giảm 66,90 điểm (-0,31%), xuống 21.513,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,63 điểm (-0,11%), xuống 2.469,91 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 23,05 điểm (+0,36%), lên 6.410,81 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Pháp đảo chiều tăng nhẹ, còn lại đều giảm điểm, thậm chí chứng khoán Anh còn giảm rất mạnh do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu sản xuất ô tô khi các nhà điều hành chống độc quyền EU cho biết đang mở cuộc điều tra với các nhà sản xuất như Volkswagen, Peugeot, Daimler, Renault và BMW.
Trong khi đó, cuộc cạnh tranh giá trong ngành hàng không khiến các nhà đầu tư lo ngại các hãng sẽ bị ảnh hưởng về lợi nhuận, khiến cổ phiếu của ngành này cũng giảm mạnh.
Kết thúc phiên 24/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 75,18 điểm (-1,01%), xuống 7.377,73 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 31,11 điểm (-0,25%), xuống 12.208,95 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 10,04 điểm (+0,20%), lên 5.127,70 điểm.
Trên thị trường châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm với biên độ mạnh hơn nhiều phiên trước đó do ảnh hưởng từ phiên sụt giảm trước đó của phố Wall và đồng yên mạnh lên.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, nhóm cổ phiếu bluechip tăng mạnh lên mức cao nhất 18 tháng giúp thị trường này hồi phục sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước.
Chứng khoán Hồng Kông cũng nhanh chóng lấy lại đà tăng, lên mức cao nhất 2 năm nhờ nhóm cổ phiếu tiêu dùng và công nghệ, sau khi chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp bị chặn lại cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 24/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 124,08 điểm (-0,62%), xuống 19.975,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 140,74 điểm (+0,53%), lên 26.846,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 12,62 điểm (+0,39%), lên 3.250,60 điểm.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng đóng cửa phiên đầu tuần gần như không đổi sau khi leo lên mức cao nhất 4 tuần.
Giới đầu tư đang thận trọng chờ đợi cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở thuộc Fed (FOMC) diễn ra trong 2 ngày, bắt đầu từ thứ Ba tuần này.
Kết thúc phiên 24/7, giá vàng giao ngay tăng 0,5 USD/ounce (+0,04%), lên 1.255,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 0,7 USD/ounce (-0,06%), xuống 1.254,3 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô hồi phục trở lại, lấy lại được gần phân nửa những gì đã mất trong phiên cuối tuần trước khi Ả Rập Xê út, nước sản xuất lớn nhất trong khối OPEC cho biết, sẽ hạn chế xuất khẩu dầu vào tháng tới.
Cụ thể, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út Khalid al-Falih cho biết, nước ông sẽ giảm lượng xuất khẩu 1 triệu thùng/ngày trong tháng 8, xuống 6,6 triệu thùng/ngày. Tương tự, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng cho biết, quốc gia này cũng có thể giảm xuất khẩu 200.000 thùng/ngày.
Kết thúc phiên 24/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,49 USD/thùng (+1,07%), lên 46,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,54 USD (+1,12%), lên 48,60 USD/thùng.
Nguồn tin: Tinnhanhchungkhoang.vn