Thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua những ngày mất điểm thê thảm trong năm 2008, nhưng lại tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu năm 2009 trước hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn sau khi Tổng thống mới đắc cử Barack Obama lên nhậm chức ngày 20/1.
Nhà phân tích Al Goldman thuộc Wachovia Securities cho biết thị trường có tâm lý chờ đợi chi tiết kế hoạch kích thích kinh tế của chính quyền Obama sau khi ông chính thức đảm nhiệm ghế tổng thống. Còn chuyên gia Patrick O'Hare thuộc Briefing.con nhận định kế hoạch kích thích kinh tế của ông Obama sẽ là tâm điểm của Thị trường chứng khoán trong tháng 1/2009.
Trong tuần kết thúc vào ngày 2/1, các chỉ số Dow Jones tăng 6,09%, đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 5/11; Nasdaq tăng 6,6%; S&P 500 tăng 6,75%. Theo giới chuyên gia, việc các chỉ số chứng khoán chủ chốt tăng điểm một phần còn là do lượng giao dịch thưa thớt và tâm lý nghỉ Tết vẫn bao trùm thị trường. Trong tuần tới, TTCK Mỹ sẽ chịu tác động từ một loạt các thông tin kinh tế như doanh số bán lẻ và tình hình việc làm trong tháng 12/2008.
Giá dầu hồi phục
Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2009, giá dầu thô thế giới đã nhích lên cao hơn do giới đầu tư chú ý đến tình hình căng thẳng ở Dải Gaza cùng với vụ tranh chấp khí đốt giữa Nga và Ucraina. Đóng cửa phiên cuối tuần 2/1 tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 2/2009 tăng lên 46,34 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tại Luân Đôn tăng lên 46,91 USD/thùng. Nhà phân tích Dave Ernsberger thuộc Platts dự đoán, giá dầu sẽ vẫn ở mức hiện nay cho tới khi Tổng thống mới đắc cử Barack Obama lên nhậm chức với các chính sách kinh tế rõ ràng hơn.
Giá dầu thế giới biến động khủng khiếp trong năm 2008, từ mức 100 USD/thùng hồi đầu năm, tăng vọt trên ngưỡng 147 USD/thùng vào giữa tháng 7 rồi “rơi” dưới ngưỡng 40 USD/thùng vào tháng 12. Nguyên nhân khiến giá dầu “tụt dốc” là do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ngày càng lan rộng, đẩy nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào suy thoái và làm dấy lên nỗi lo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sẽ sụt giảm.
Ấn Độ giảm lãi suất
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) cuối tuần qua quyết định hạ 1 điểm phần trăm các mức lãi suất ngắn hạn chủ chốt, nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
RBI đã giảm 1 điểm phần trăm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các ngân hàng thương mại, từ 6,5% xuống 5,5%; và hạ 1 điểm phần trăm lãi vay từ những ngân hàng này, từ 5% xuống 4%, nhằm thúc đẩy các ngân hàng tăng cường hoạt động cho vay đối với người tiêu dùng. RBI cũng dự kiến giảm 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ tiền mặt của các ngân hàng trong nước xuống 5% kể từ ngày 17/1.
Các chuyên gia nhận định, thông qua động thái cắt giảm lãi suất của RBI, hệ thống ngân hàng Ấn Độ có thể sẽ được bơm khoảng 4,1 tỷ USD. Đây là đợt cắt giảm lãi suất thứ tư của RBI trong chưa đầy 3 tháng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước vốn đang chịu tác động của khủng hoảng tài chính thế giới.
(Thể thao và văn hóa)