Dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay đã chưa được thông qua. Bộ Tài chính được giao nghiên cứu thêm.
Ảnh minh họa
Sáng 12/07, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Nhiều ý kiến trái chiều về việc đề xuất tăng thuế BVMT, thời gian thực hiện tăng thuế BVMT hay việc bỏ thu thuế đối với than cốc, dầu tái sinh. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường tại Phiên họp thứ 25.
Chính phủ được giao nghiên cứu thêm, huẩn bị toàn diện hơn, cụ thể hơn những mặt hàng phải chịu thuế bảo vệ môi trường để hoàn thiện và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét tại các phiên họp sau.
Tăng thuế môi trường với xăng dầu giúp thu thêm 15.189 tỷ đồng vào NSNN mỗi năm
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, dung dịch HCFC, túi ni lông gây tác động xấu đến môi trườngtrong quá trình sử dụng và mởi chỉ bị đánh thuế "ở mức thấp so với mức độ tác động đến môi trường".
Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Bộ Tài chính cho rằng thuế bảo vệ môi trường với mỗi lít xăng cần tăng 1.000 đồng lên mức kịch trần (4.000 đồng). Các loại dầu cũng được đề xuất tăng khoảng 500-1.100 đồng/lít.
Bộ trưởng Bộ Tài chính trình dự thảo Nghị quyết Biểu thuế bảo vệ môi trường
Việc điều chỉnh mức thuế BVMT này sẽ góp phần tăng thu NSNN khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm, tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường, người đứng đầu ngành tài chính cho hay.
Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản đồng tình với nội dung tờ trình của Chính phủ bởi tăng thuế giúp nâng cao trách nhiệm, nhận thức trong việc bảo vệ môi trường và khuyến khích sử dụng tiết kiệm và tiến tới sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường.
Cần xem xét kỹ lưỡng
Nhưng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng tăng thuế BVMT đối với các mặt hàng, nhất là xăng dầu vào thời gian này sẽ không phù hợp do CPI những tháng đầu năm tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Ngoài ra, lạm phát sẽ còn chịu áp lực khi nhiều địa phương sẽ thực hiện lộ trình tăng mức học phí khi năm học mới đến, lương cơ bản cũng vừa tăng từ 01/07 và mùa mưa bão cũng đang diễn ra.
"Việc bảo vệ môi trường là đúng nhưng tăng thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu đồng nghĩa với việc giá xăng tăng tác động trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp". Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng nhiều thành viên khác nhận định việc điều chỉnh tăng thuế MVMT vào lúc này không đảm bảo khả năng điều tiết giá cả hàng hóa.
Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần cân nhắc thời gian áp dụng, không nên áp dụng thông lệ (sau 45 ngày kể từ khi ban hành Nghị quyết).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình việc đánh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này cần phải được xem xét thật kỹ lưỡng nhất là khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu gắn liền với sinh hoạt hàng ngày.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu xem xét thật kỹ lưỡng
Một vấn đề khác cũng được đem ra tranh luận là kiến nghị của Bộ trưởng Đinh Tiến Dững về việc xác định than cốc, dầu tái sinh không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT theo Luật thuế BVMT.
Ngoài ra, số tiền thuế BVMT đã nộp đối với than cốc, dầu tái sinh (nếu có) kể từ thời điểm Luật thuế BVMT có hiệu lực thi hành được xác định là số tiền thuế nộp thừa và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lại cho rằng nếu dầu tái sinh và than cốc nhập khẩu thì rất cần phải đánh thuế, nhất là khi than cốc được các nhiều doanh nghiệp nhập khẩu về để luyện thép.
Đề xuất của Tờ trình đã không nhận được sự đồng tình toàn bộ, nhiều ý kiến cho rằng vẫn thu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này.
Nguồn tin: ndh.vn