Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chưa tăng giá bán lẻ xăng, dầu diezel và mazut

Hình minh họa
Cục Quản lý Giá - Bộ Tài Chính vừa có công văn số 1844 gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.
 
Theo đó, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Công thương, cơ quan này công bố chưa tăng giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng, dầu diezel và mazut.
 
Theo công văn, ngày 17/2, Bộ Tài chính nhận được công văn đăng ký tăng giá bán xăng của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam và 5 doanh nghiệp đầu mối khác. Sau khi thống nhất với Bộ Công thương, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
 
Đối với giá xăng, dầu diezel, dầu mazút, trước mắt đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục giữ ổn định giá bán xăng, dầu diezel, dầu mazút, trong nước như hiện nay và tiếp tục theo dõi diễn biến xăng dầu thế giới để có giải pháp xử lý phù hợp.
 
Riêng với mặt hàng xăng, để đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng bình thường, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong 2 tháng (2 và 3/2009) tạm thời chưa trích khoản tiền 1.000 đồng/lít xăng để hoàn trả khoản tạm ứng Ngân sách nhà nước. Đồng thời, Bộ sẽ xem xét điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu.
 
Đối với dầu hỏa, từ cuối tháng 1/2009 trở lại đây, giá dầu hỏa bình quân trên thị trường thế giới dao động ở mức thấp, tạo cơ hội để xem xét giảm giá trong nước. Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối có ý kiến bằng văn bản về tình hình giá dầu hoả hiện nay, đăng ký giảm giá bán lẻ dầu hoả trong nước cho phù hợp với diễn biến của giá dầu hỏa trên thị trường thế giới. Các doanh nghiệp gửi công văn về trước ngày 20/2.
 
Sở dĩ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trình phương án tăng giá xăng bởi trong thời gian qua dù giá dầu thô giảm nhưng giá dầu thành phẩm lại tăng lên. Vì thế, các doanh nghiệp bị lỗ. Theo tính toán, trừ chi phí đầu vào của một lít xăng tại thời điểm này gồm 25% thuế nhập khẩu; 10% thuế tiêu thụ đặc biệt; 10% VAT; phí xăng dầu 1.000 đồng/lít; trả nợ ngân sách tạm bù lỗ 1.000 đồng; quỹ bình ổn giá 500 đồng và các chi phí khác, doanh nghiệp lỗ khoảng trên 500 đồng/lít xăng.
 
Như vậy, giá xăng A92 tạm thời vẫn giữ nguyên mức 11.000 đồng/lít, giá dầu diezel là 10.500 đồng/lít.
 
Trước đó, chiều ngày 16/2, sau khi có thông tin doanh nghiệp đầu mối đang lỗ 500 đồng mỗi lít xăng và đề nghị điều chỉnh giá bán, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo điều hành xăng dầu theo giá thị trường.
 
(Kinh tế và đô thị)

ĐỌC THÊM