Vào những phút cuối của phiên thảo luận kéo dài quá 12 giờ trưa nay, 12.7, Chủ tịch Quốc hội quyết định Thường vụ Quốc hội chưa biểu quyết thông qua Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường do Chính phủ trình.
Chính phủ đề nghị tăng thuế môi trường đối với xăng lên mức trần 4.000 đồng/lít
ẢNH D.L
Đề xuất tăng kịch trần thuế môi trường xăng dầu
Sáng 12.7, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, Chính phủ đề nghị tăng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức trần 4.000 đồng/lít, thay vì 3.000 đồng như hiện nay.
Các loại sản phẩm xăng dầu khác như dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn cũng được đề nghị tăng lên mức trần là 2.000 đồng, tăng từ 500 - 1.700 đồng/lít tùy loại.
Riêng đối với dầu hỏa, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, vào ngày 20.6, Bộ Tài chính đã báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng cho điều chỉnh mức tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít, thay vì mức 2.000 đồng như đề xuất trước đó.
Ngoài ra, đối với các mặt hàng than đá, tờ trình của Chính phủ cũng đề nghị tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với than antraxit từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn; than nâu, than mỡ, than đá khác tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn.
Ông Dũng cho biết, theo tính toán, với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường nêu trên, việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 khoảng 0,11-0,15%.
Tuy nhiên, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần tăng thu ngân sách khoảng 15.189,2 tỉ đồng/năm, từ đó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình tại phiên họp cho biết, đa số ý kiến trong ủy ban này nhất trí với tờ trình của Chính phủ về việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4% và để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, đề nghị cân nhắc thời điểm tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng.
Cần cân nhắc mức tăng và thời điểm tăng
Thảo luận tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần cân nhắc việc tăng mức thuế đối với các mặt hàng theo như đề nghị của Chính phủ, nhất là vào thời điểm hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, cho rằng xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu đối với người dân, việc tăng thuế đối với các mặt hàng này sẽ dẫn đến tăng giá. Do đó, khi tăng thuế, cần phải tính toán kỹ lưỡng.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cũng cho rằng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên việc tăng thuế với xăng dầu cũng sẽ tác động ngay tới giá cả. "Việc chúng ta thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là mặt hàng thiết yếu đã là không đúng rồi, giờ lại tăng thuế môi trường thì cần cân nhắc bàn kỹ thêm", bà Nga nói và đề nghị Thường vụ Quốc hội dành thêm thời gian bàn về vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc tăng thuế môi trường sẽ ảnh hưởng tới CPI, tuy nhiên, nếu tăng một chút lạm phát mà có được nguồn thu như tính toán của Chính phủ để chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường thì vẫn nên thực hiện. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện nay đã hình thành thói quen là cứ tăng thuế là tăng giá. Do vậy, Nghị quyết khi được thông qua cần đề nghị Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kiểm soát để không tăng giá một cách cơ học, đồng thời sử dụng nguồn thu tăng thêm cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Tiếp tục tham gia ý kiến, ông Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm: ý kiến tăng thuế nhưng có giải pháp để không tăng giá rất hay, nhưng thực tế khó thực hiện, vì cứ tăng thuế là đầu bên kia sẽ điều chỉnh giá ngay. Từ đó, ông Giàu đề xuất phương án chia nhiều giai đoạn để điều chỉnh tăng.
Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc mức tăng, thời điểm tăng và cả lộ trình tăng. "Chẳng hạn như ý kiến của Bộ Công thương đề xuất thì nên chăng chúng ta tăng theo lộ trình mỗi lần tăng 500 đồng/lít để tránh gây sốc", bà Hải nêu.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nên chọn phương án tăng một lần, vì nếu chia làm nhiều lần để tăng, có khi tạo hiệu ứng khác. Vì hiện nay, cứ mỗi lần tăng thuế, giá là các mặt hàng khác lại tăng theo phong trào.
Không biểu quyết thông qua vào phút chót
Về thời điểm có hiệu lực của nghị quyết, ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị đây là thời điểm đang có nhiều vấn đề như chúng ta vừa tăng lương cơ sở, sắp tới mùa mưa bão; bên cạnh đó, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, ông Giàu đề nghị cần phải chọn thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực, vì nếu hôm nay Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua thì nghĩa là ngày 27.8 sẽ có hiệu lực.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, có 2 mốc thời gian có thể cân nhắc là 1.8 hoặc 1.10, để tránh thời điểm tháng 9 bắt đầu năm học mới. Theo ông Dũng, phương án để sang 1.1.2019 là không nên, bởi đây là thời điểm tết Dương lịch và cận kề tết Nguyên đán.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận đề nghị các thành viên Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua các nội dung Nghị quyết. Tuy nhiên, trước các ý kiến còn khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã quyết định Thường vụ Quốc hội sẽ không biểu quyết thông qua Nghị quyết tại phiên họp này.
"Tôi đề nghị chúng ta dừng thảo luận ở đây và chưa biểu quyết thông qua Nghị quyết này vì hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nếu biểu quyết sẽ không tập trung. Chúng ta có thể tăng thu thêm vài ngàn tỉ trong mấy tháng cuối năm nhưng chưa biết tình hình sẽ diễn biến như thế nào", bà Ngân nói.
Nguồn tin: thanhnien.vn