Giá dầu đi xuống trong ngày 14/4 do các nhà đầu tư chưa chắc chắn rằng việc cắt giảm nguồn cung nhiên liệu kỷ lục có thể sớm cân bằng thị trường vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu trong phiên giao dịch này được hạn chế phần nào nhờ kỳ vọng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ hạ mạnh.
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên 14/4.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng khai thác dầu đá phiên của nước này sẽ giảm kỷ lục trong tháng 4/2020, bên cạnh kế hoạch cắt giảm sản lượng nhằm vực dậy giá dầu của các nhà sản xuất chủ chốt khác.
Cụ thể, giá dầu Brent hạ 25 xu Mỹ, tương đương 0,8%, xuống 31,49 USD/thùng sau khi nhích hơn 0,8% trong phiên trước đó. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng mất 22 xu Mỹ, tương đương 1%, xuống còn 22,19 USD. Giá mặt hàng dầu này đã sụt 1,5% trong phiên trước đó.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, hôm 12/4 đã nhất trí cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong hai tháng 5-6/2020, tương đương 10% sản lượng dầu toàn cầu trước khi bùng phát đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, Mỹ - quốc gia khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới - cũng sẽ tiến hành cắt giảm sản lượng khai thác cùng với nhiều quốc gia khác, với tổng khối lượng dầu cắt giảm ước vào khoảng 19,5 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, các nhà phân tích năng lượng và các giám đốc điều hành của nhiều công ty trong ngành dầu mỏ nhận định, dù mức cắt giảm sản lượng như thế nào cũng sẽ không đủ để cân bằng cung cầu dầu mỏ khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới đã giảm hơn 30% do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
“Sản lượng dầu mỏ cắt giảm của nhóm OPEC+ chưa đủ để hạn chế tình trạng dư cung toàn cầu hiện tại” - Công ty năng lượng JBC đánh giá. Các kho dự trữ dầu sẽ nhanh chóng được lấp đầy ngay cả khi một số quốc gia trong nhóm G20 đồng ý tăng mua dầu phục vụ dự trữ quốc gia.
Ông Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu thị trường dầu mỏ của Rystad, lưu ý rằng việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng lớn nhất từ trước đến nay của OPEC+ sẽ phải mất ít nhất vài tuần nữa mới phát huy được hiệu quả đối với thị trường năng lượng toàn cầu.
Theo chuyên gia này, yếu tố quan trọng nhất đối với thỏa thuận cắt giảm nguồn cung là các thành viên trong liên minh này phải tuân thủ đúng cam kết. “Chúng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu các nước OPEC+ thực hiện được khoảng 50% hạn ngạch cắt giảm trong tháng 5”, ông Tonhaugen cho hay.
Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ cũng đón nhận một thông tin tích cực từ nhà nhập khẩu dầu mỏ Trung Quốc, khi nhu cầu “vàng đen” của nước này đang có dấu hiệu tăng trở lại. Dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 14/4 cho biết nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 3/2020 đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn