Ngày 21/4/2017, tại buổi công bố sẽ chính thức đưa 1,293 tỷ cổ phiếu lên sàn TP.HCM, Chủ tịch Petrolimex cho biết, với đề án điều hành giá xăng dầu theo ngày, khách hàng có thể ký hợp đồng riêng với Tập đoàn để có giá ổn định trong thời gian dài hơn.
Petrolimex có vốn điều lệ 12.939 tỷ đồng, là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất trong tổng số 29 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam, chiếm 50% thị phần xăng dầu. Hai cổ đông lớn của Petrolimex bao gồm: Bộ Công Thương nắm 75,87% cổ phần; Đối tác Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy Corporation nắm 8% cổ phần trong tổng số 1.293,9 triệu cổ phiếu được niêm yết. Trong số 208,6 triệu cổ phần còn lại, Petrolimex nắm giữ 155 triệu là cổ phiếu quỹ. Do đó, lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thực tế sau niêm yết chỉ là 53,6 triệu đơn vị, tương đương 4,14% tổng số lượng cổ phiếu được niêm yết.
Tại Roadshow giới thiệu cổ phiếu PLX, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, cho biết hiện vẫn chưa thể công bố mức giá chào sàn, nhưng chắc chắn sẽ sẽ không thể thấp hơn giá đã phát hành cho nhà đầu tư chiến lược vào năm 2015 bởi đây là quyền lợi sát sườn của NĐT nhỏ lẻ. Ông Bảo cũng tự tin khẳng định trong 5 năm tới, chắc chắn cổ phiếu của Petrolimex sẽ đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex.
Chính thức cổ phần hóa từ ngày 01/12/2011, nhưng phải hơn 6 năm sau Petrolimex mới lên sàn, lý giải cho sự chậm trễ này, ông Bảo cho rằng Petrolimex là doanh nghiệp đặc thù của nhà nước, để hội tụ đủ các yếu tố cần phải giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước xuống dưới 75%. Quan trọng hơn, Petrolimex mong muốn đạt được chuẩn mực chung của một công ty đại chúng, đó là phải đảm bảo tỷ lệ cổ đông nhỏ lẻ chiếm 20% trong tổng số lượng cổ phiếu lưu hành, và phải đến cuối năm 2016 Petrolimex mới đáp ứng được giảm tỷ lệ nắm giữ phần vốn nhà nước.
“Điểu quan trọng nhất đối với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp là phải thay đổi phương thức quản trị, việc tham gia của đối tác chiến lược Nhật Bản đã bổ trợ cho việc quản trị doanh nghiệp minh bạch hơn, hiệu quả từng bước được nâng lên thông qua việc nâng cao công suất,” ông Bùi Ngọc Bảo nói.
Ông Bảo cũng tự tin khẳng định chắc chắn cổ phiếu PLX sẽ nằm trong nhóm VN30 trên sàn HSX. Đồng thời sẽ chỉ duy trì tỷ lệ sở hữu của nhà nước xuống từ 51% - 65%.
Năm 2016, Petrolimex đạt doanh thu 123.097 tỷ đồng doanh thu và 5.163 tỷ đồng lợi nhuận. Trong cơ cấu lợi nhuận hợp nhất của Petrolimex, Công ty mẹ chiếm 59%, CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex 6%, TCT Vận tải thủy Petrolimex (PG Tanker) 5%, TCT Hóa dầu Petrolimex (PLC) 4%, TCT Gas Petrolimex (PGC) 2%, TCT Bảo hiểm Petrolimex (PGI) 2%, Kho Vân Phong 2%, Petrolimex Singapore 1%, 19% còn lại đến từ các nguồn khác.
Ông Bảo cho rằng doanh thu của Petrolimex luôn phụ thuộc vào giá dầu thế giới. Xăng dầu là loại hình kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro nhưng kèm theo với nó là cơ hội. Do đó năm 2016 Petrolimex đã tận dụng được những cơ hội để có sự khác biệt trong SXKD. Tuy nhiên, Chủ tịch của Petrolimex cũng cho rằng việc Chính phủ đã không can thiệp vào giá xăng dầu từ cuối năm 2014, để mặt hàng này tự vận hành theo cơ chế thị trường đã tạo điều kiện cho kết quả kinh doanh của Petrolimex được cải thiện.
“Vận hành cơ chế giá xăng dầu theo giá thị trường, các DN tham gia thị trường có một nền tảng quản trị tốt, có cơ sở sản xuất tiên tiến và năng suất lao động cao chắc chắn sẽ đem lại kết quả kinh doanh tốt. Còn đương nhiên kinh doanh xăng dầu luôn luôn chứa đựng rủi ro vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới,” ông Bùi Ngọc Bảo khẳng định.
Với đề án điều hành giá xăng dầu theo ngày, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu VN cho biết có thể có lợi nhưng cũng có thể bất lợi cho cả doanh nghiệp đầu mối và người tiêu dùng. Do đó, Petrolimex đã chuẩn bị những biện pháp để cho phép người tiêu dùng có thể lựa chọn mức giá ổn định trong một khoảng thời gian nhất định nếu họ có ký kết hợp đồng riêng với Petrolimex. Chúng tôi cũng sẽ có nhiều sản phẩm thông qua nhiều hợp đồng đối với khách hàng.
Nguồn tin: Baomoi