“Nên đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước. Nghĩa vụ của người công dân phải nộp thuế, nộp ngân sách để bảo vệ đất nước”, ông Phan Thế Ruệ nhấn mạnh.
Tại Hội thảo “Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế” tổ chức ngày 16/5, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, trước lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu về 0% cần sớm điều chỉnh thuế nội địa với mặt hàng xăng dầu theo hướng tăng dần để đảm bảo nguồn thu ngân sách, xử lý hài hòa lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị tăng sắc thuế nội địa xăng dầu để đảm bảo thu ngân sách
“Thuế nhập khẩu cắt giảm thì phải tăng thuế nội địa để bù đắp. Rõ ràng đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế như thuế nhập khẩu, VAT, thuế bảo vệ môi trường. Tăng cái này, giảm cái kia thì tổng bán lẻ vẫn không thay đổi”, ông Ruệ cho hay.
Riêng đối với đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên khung tối đa 8.000 đồng/lít, ông Ruệ cho biết hiệp hội rất ủng hộ và đã có nhiều lần khuyến nghị sớm điều chỉnh tăng mức thuế này.
“Nên đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước. Nghĩa vụ của người công dân phải nộp thuế, nộp ngân sách để bảo vệ đất nước”, ông Ruệ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Ruệ, ngay năm 2018 cần được xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam
Tại hội thảo, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết các sắc thuế nội địa, trong đó có thuế bảo vệ môi trường sẽ được Chính phủ rà soát theo hướng phù hợp với lộ trình giảm thuế nhập khẩu.
“Khung thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít không có nghĩa là tăng ngay mà là mức khung tối đa. Khi điều chỉnh còn phụ thuộc vào sức chịu đựng của nền kinh tế để làm sao cho phù hợp. Khung là khung cho phép, còn điều chỉnh thế nào thì Chính phủ sẽ có tính toán cẩn thận để đảm bảo các lợi ích”, ông Quyền nói.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cần phải có cái nhìn tổng quát hơn khi tính tới việc tăng thuế bảo vệ môi trường.
“Theo tôi với những sản phẩm đầu vào thì phải có tư tưởng "bao đồng" hơn, không thể chỉ tính vòng 1 chặn luôn mà phải tính làm sao thu bền vững. Nghĩa là, đầu vào thì ăn ít thôi để vòng 2 sản xuất phát triển. Khi thuế giảm sẽ giúp thị trường tăng cung, sản xuất nhiều hơn, giá thành những sản phẩm thụ hưởng từ xăng dầu sẽ rẻ hơn, giải quyết công ăn việc làm bền vững. Như vậy, tới vòng 3 ta mới thu bền vững”, ông Thoả nói.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng việc cắt giảm thuế xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó có thuế nhập khẩu xăng dầu đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu từ thuế. Tuy nhiên đây là xu thế tất yếu của tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Hơn nữa việc cắt giảm được thực hiện theo lộ trình, không tạo ra đột biến lớn. Khi thuế nhập khẩu giảm, giá bán ra thị trường giảm theo, kéo theo chi phí sản xuất, dịch vụ giảm, lợi nhuận doanh nghiệp tăng, góp phần thu ngân sách, Nhà nước có thể thu nhiều hơn từ sự gia tăng hoạt động của doanh nghiệp.
Nguồn tin: Infonet.vn