Sự kiện Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đi vào vận hành thương mại và xuất xưởng thành công lô sản phẩm đầu tiên (xăng Ron 92) đánh dấu cột mốc quan trọng của nền công nghiệp chế biến dầu khí Việt Nam. Bên cạnh nỗ lực nắm bắt, làm chủ công nghệ của đội ngũ kỹ sư, người lao động, sản phẩm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn kỳ vọng sẽ đáp ứng lượng lớn nguồn cung xăng dầu trong nước, góp phần hạn chế lượng hàng nhập khẩu cũng như tác động về giá quốc tế.
Ban lãnh đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn chứng kiến lô sản phẩm đầu tiên của nhà máy.
Làm chủ công nghệ
Có dịp ghé thăm Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn thời gian này, thấy chỗ nào cũng xôn xao bàn tán về việc vận hành thành công nhà máy. Càng đặc biệt hơn, sau rất nhiều "sự cố", cuối cùng dự án có tổng mức đầu tư hơn chín tỷ USD, có công nghệ vào loại hiện đại bậc nhất Ðông - Nam Á đã vận hành, xuất xưởng thành công lô sản phẩm thương mại đầu tiên (xăng Ron 92), đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất bán cho các đối tác thương mại tại thị trường Việt Nam. Ngày 13-5, nhà máy tiếp tục cho ra hai dòng sản phẩm lọc hóa dầu tiếp theo. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn) Ðinh Văn Ngọc cho biết, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, dòng dầu mới mang thương hiệu Việt đã "tuôn chảy", mang theo niềm vui và những kỳ vọng của tập thể đội ngũ kỹ sư, người lao động tại dự án. Cùng với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), công suất 6,5 triệu tấn/năm, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, công suất 200 nghìn thùng dầu thô/ngày (tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm) sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng trong nước thời gian tới. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn được khởi công xây dựng vào tháng 7-2013 và hoàn thành vào tháng 4-2017 với hàng trăm triệu giờ công lao động. Ðây cũng là nhà máy có công nghệ hiện đại của thế giới trong ngành công nghiệp hóa dầu.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Ðinh Văn Ngọc, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các nhà máy lọc hóa dầu là việc đào tạo nguồn nhân lực để có thể làm chủ công nghệ và vận hành an toàn nhà máy. Chính vì vậy, trong gần hai năm qua, NSRP đã chủ động ký hợp đồng trực tiếp đào tạo tại chỗ cho 627 nhân sự với Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất). Các học viên của NSRP đã được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và được trang bị đầy đủ từ các kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất về các tác vụ hằng ngày trong ca làm việc cho đến các quy trình có độ phức tạp, chuyên môn cao hơn như: quy trình dừng/khởi động và nhiều quy trình xử lý sự cố khẩn cấp của nhà máy lọc hóa dầu. Công tác phối hợp giữa NSRP và BRP đã được điều phối một cách hiệu quả theo sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). BSR đã cung cấp gần 70 kỹ sư, chuyên gia của Nhà máy lọc dầu Dung Quất tham gia làm việc trực tiếp dài hạn tại dự án tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Bên cạnh đó, BSR đã cử hàng trăm lượt nhân sự, chuyên gia giỏi tham gia vào các đợt hỗ trợ kiểm toán, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá liên quan công tác chuẩn bị chạy thử, chạy thử và chạy nghiệm thu nhà máy; công tác điều độ, tối ưu hóa quá trình sản xuất, nhập dầu thô và xuất bán sản phẩm... nhằm rà soát và tư vấn hoàn thiện hệ thống quy trình, hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, kiểm soát chất lượng của NSRP. Ðiều đó phần nào khẳng định sự trưởng thành của đội ngũ kỹ sư, người lao động Việt Nam, thay vì phải phụ thuộc vào kỹ sư nước ngoài để có thể chủ động vận hành an toàn nhà máy lọc hóa dầu hiện đại này.
Góp phần bảo đảm nguồn cung trong nước
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là nước vừa xuất, vừa nhập khẩu xăng dầu. Do đó, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới. Việc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động và đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của thị trường sẽ giúp Việt Nam chủ động được nguồn nhiên liệu trong thời gian sắp tới. Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) Phan Thế Ruệ đánh giá, thị trường xăng dầu Việt Nam năm 2018 sẽ tăng khoảng từ 7 đến 8% so với năm 2017, tương đương hơn 18 triệu tấn. Trong đó, riêng hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đã có thể đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước. Ðiều này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc chủ động nguồn cung xăng dầu, hạn chế dần lượng hàng nhập khẩu và hạn chế thấp nhất sự tác động về giá đối với thị trường xăng dầu trong nước.
Phân tích kỹ hơn về sự tác động của thị trường, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn được dự đoán cung cấp sản lượng khoảng 40%, tạo nguồn cung mới cho thị trường xăng dầu nội địa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là chất lượng và giá thành của nhà máy này như thế nào và vẫn phải bán theo giá thị trường quốc tế. Vì vậy, phải căn cứ vào giá quốc tế để làm cơ sở giá bán. Trước mắt, chúng ta cần phải xem sản lượng, khả năng cung ứng của nhà máy này để có cái nhìn chính xác và đánh giá một cách toàn diện.
Xu thế của thị trường xăng dầu là đa dạng hóa sản phẩm được lưu hành trên thị trường với nhiều đối tượng tham gia. Ðến nay, trên thị trường chỉ lưu hành xăng Ron 95 và xăng E5 Ron 92. Theo Chủ tịch Vinpa Phan Thế Ruệ, với 29 đầu mối và hàng trăm nhà phân phối, mục tiêu thị trường xăng dầu Việt Nam phải có tiêu chuẩn mức cao hơn hiện nay, nhưng tính cạnh tranh thật sự chưa xuất hiện, toàn quốc chỉ có một giá. Việc có thêm nguồn cung từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giúp thị trường bớt ảnh hưởng từ quốc tế hơn và khi giá thống nhất, các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh nhau bằng mức chi phí. Tuy nhiên, nếu đẩy chi phí xuống cơ sở sẽ dẫn đến cạnh tranh về thị phần không lành mạnh, tăng rủi ro trong kinh doanh. Chính vì vậy, cần xây dựng được cơ chế quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát đồng bộ nhằm giám sát chất lượng, lượng xăng dầu bán ra, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, lợi ích của doanh nghiệp và Nhà nước. Ðồng thời, phải sửa đổi Nghị định 83, tạo cơ chế thông thoáng, minh bạch, bình đẳng để thị trường xăng dầu Việt Nam cạnh tranh lành mạnh, phát triển ổn định.
Nguồn tin: nhandan.com.vn