Mỹ thiếu hụt trầm trọng dầu thô do cấm vận Venezuela và buộc phải nhập khẩu dầu Urals, qua đó mang lại nguồn lợi không nhỏ cho Nga.
Buộc phải mua dầu của Nga
Trang Sputnik của Nga đưa tin, trong nửa đầu tháng 5/2019, các công ty của Mỹ đã mua 5 triệu thùng dầu Urals - một khối lượng tương đương với tổng lượng dầu xuất khẩu từ Nga sang Mỹ kể từ đầu năm.
Theo giới phân tích Nga, động thái này bắt nguồn từ sự thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng do Washington áp dụng lệnh trừng phạt đối với Venezuela. Dự đoán, đến cuối năm nay, doanh số vàng đen của Nga bán ra nước ngoài sẽ tăng gấp 3 lần.
Sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Venezuela (PDVSA), khối lượng dầu mỏ mà Mỹ nhập từ Venezuela đã giảm 3 lần. Mặc dù Mỹ có đang là sản xuất dầu mỏ lớn, đặc biệt là dầu đá phiến, nhưng vấn không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu.
Tổng thống Nga V. Putin trong một chuyến thăm tới tập đoàn thăm dò và khai thác dầu khí Uralvagonzavod
Một số nhà máy lọc dầu của Mỹ - đặc biệt là ở Bờ Đông và Vịnh Mexico - tập trung vào việc tinh chế dầu thô nặng, chủ yếu đến từ Venezuela. Bằng việc cấm vận Venezuela, Mỹ tự “chặt tay”.
Theo số liệu của công ty đầu tư Caracas Capital Markets, trong tuần cuối tháng 2, hai tàu chở dầu chỉ giao được 766.000 thùng nguyên liệu từ Venezuela đến Mỹ, trong khi các công ty Nga đã gửi 9 tàu với hơn 3 triệu thùng dầu và sản phẩm dầu mỏ đến Mỹ trong tuần đó.
Đến đầu tháng 4/2019, khối lượng xuất khẩu dầu của Venezuela sang Mỹ giảm 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 139.000 thùng mỗi ngày. Sau khi lệnh cấm vận bắt đầu có hiệu lực vào ngày 28/4, việc giao hàng đã chấm dứt hoàn toàn.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thừa nhận việc Mỹ trừng phạt PDVSA đã gây ra sự thiếu hụt cấp tính tại thị trường Mỹ. Tất cả những ông lớn quan trọng trong ngành công nghiệp lọc dầu của Mỹ như Citgo Oil, Valero Energy và Chevron đều bị ảnh hưởng.
Trong khi trong hai tuần đầu tiên của tháng 5/2019, nguồn cung dầu của Venezuela cho Mỹ ở mức 0, thì lượng dầu mà Mỹ mua từ Nga đạt mức kỷ lục. Theo tính toán của Caracas Capital Markets, từ ngày 1-13/5, 13 tàu chở dầu từ Nga đã giao 5 triệu thùng cho Mỹ- tương đương số lượng dầu trong 4 tháng trước.
Giới phân tích gọi đây là một điều trớ trêu vì bằng cách trừng phạt Venezuela, Mỹ đang mang lại cho Nga một “khoản bảo hiểm” rất hiệu quả khi Moscow đã đầu tư không ít vào ngành dầu khí ở Venezuela. Theo dự báo, nguồn cung dầu hàng tháng của Nga cho Mỹ sẽ tăng gấp 3 lần vào cuối năm nay.
Ngành dầu mỏ Mỹ gặp khó vì "quyết chiến" với Venezuela và Iran
Các nhà máy lọc dầu châu Âu sử dụng các loại dầu nặng cũng phải khẩn trương tìm kiếm sự thay thế cho dầu lưu huỳnh đã biến mất khỏi thị trường. Họ trở thành nạn nhân ngẫu nhiên của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela, do thị trường mất đi gần 800.000 thùng mỗi ngày.
Ngoài ra, trong khuôn khổ thỏa thuận OPEC+, các nước xuất khẩu đã cắt giảm trước tiên việc khai thác các loại dầu nặng, trong khi vẫn duy trì khối lượng cung cấp dầu nhẹ đắt tiền.
Theo hãng tin Reuters, trong tháng 4/2019, do không thể tiếp cận nguồn dầu mỏ của Iran và Venezuela, các nước Âu đã thực sự phải “tranh giành” dầu Urals của Nga. Reuters dẫn lời một thương nhân dầu mỏ châu Âu cho biết “tất cả các nhà máy lọc dầu đang tìm kiếm dầu Urals hoặc sản phẩm tương đương”.
Mỹ đứt tay, Nga hưởng lợi
Với việc đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến, Mỹ hiện có sản lượng dầu khoảng 12 triệu thùng/ngày và trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới trên thực tế. Tuy nhiên, Mỹ vẫn phụ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài, đồng nghĩa với việc không thể làm “bá chủ” trong lĩnh vực này.
Sarah Ladislaw, chuyên gia phân tích chính sách năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định: “Dưới thời chính quyền Trump, Mỹ cảm thấy tự tin hơn nhiều với sản lượng dầu và khí đốt của họ cũng như sự hỗ trợ và hợp tác mà họ cảm nhận từ phía Saudi Arabia”. Theo bà, sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Washington đã bắt đầu làm thay đổi chính sách dầu mỏ của các đồng minh cũng như các đối thủ của họ trên khắp thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị năng lượng ở Houston hồi tháng 3 vừa qua, với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ông Mike Sommers, Chủ tịch tập đoàn công nghiệp Hãng Dầu mỏ Mỹ của Mỹ, thậm chí còn tự tin: “OPEC đã trở thành một nhân tố kém quan trọng hơn bởi Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm tinh chế số 1 thế giới”.
Tuy nhiên, sự lạc quan của các quan chức và các doanh nhân dầu mỏ Mỹ có vẻ tỏ ra lạc quan quá sớm. Theo thống kê, trong năm 2018, Mỹ tiêu thụ trung bình 20,5 triệu thùng dầu/ngày. Như vậy, việc Mỹ phải nhập khẩu dầu mỏ là điều tất yếu.
Ngay từ trước ngày 28/4, khi lệnh cấm vận có hiệu lực, giới phân tích đã nhiều lần khẳng định việc cấm vận dầu mỏ đối với Venezuela sẽ làm phương hại trực tiếp đến các hãng lọc dầu của Mỹ trong vùng vịnh Mexico, hoạt động nhờ nhập khẩu hàng trăm nghìn thùng dầu Venezuela mỗi ngày. Trước thời điểm này, Venezuela vẫn xuất khẩu 500.000 thùng dầu thô sang Mỹ mỗi ngày.
Kênh CNN của Mỹ dẫn lời chuyên gia nói thẳng tẩy chay dầu thô của Venezuela sẽ đẩy giá dầu trên thị trường Mỹ lên cao và thậm chí còn đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của nhiều nhà máy lọc dầu tại Mỹ.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ lại gắn bó rất chặt chẽ với Venezuela. Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA qua công ty con là Citgo làm chủ nhiều hãng lọc dầu và cả một hệ thống đường ống dẫn dầu trên lãnh thổ Mỹ, đặc biệt là tại các bang Texas, Lousianna và Illinois. Hiện tại, khoảng 4.000 công nhân Mỹ làm việc cho Citgo và có trên 5.000 trạm xăng ở Mỹ là của tập đoàn dầu khí Venezuela này.
AFP cho biết Citgo từng trích nửa triệu USD để đóng góp cho quỹ tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump tháng 1/2017. Tương tự như hai ông khổng lồ trong ngành dầu khí của Mỹ là Chevron và ExxonMobil, Citgo nằm trong danh sách 20 tập đoàn đóng góp nhiều nhất cho quỹ này.
Trong khi Mỹ đối mặt với những thách thức tự bắn vào chân thì Nga lại đang được lợi. Trong tháng 3/2019, cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các nhà máy lọc dầu châu Âu đối với dầu của Nga đã làm giảm chênh lệch giá giữa dầu Urals và dầu Brent xuống 30% - mức tối thiểu kể từ năm 2013.
Nhờ vậy, Nga đã kiếm được thêm 140 triệu USD trong những tháng đầu năm so với hồi tháng 10/2018, trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng lệnh trừng phạt dầu đối với Iran và tiến hành cấm vận vàng đen từ Venezuela.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexandr Novak cho biết các biện pháp trừng phạt và các yếu tố địa chính trị khác đã dẫn đến thực tế: lĩnh vực lọc dầu đang gặp phải tình trạng thiếu dầu nặng nhập khẩu từ Venezuela và một phần từ Iran. Sự thiếu hụt của các loại dầu này trên thị trường là "phần thưởng" tích cực cho dầu Urals của Nga!
Nguồn tin: Đất việt