Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chính trị Hoa Kỳ đang tạo sức ép lên ngành công nghiệp dầu mỏ Canada

 

Alberta đang hứng chịu nhiều thiệt hại sau vụ hủy bỏ đường ống Keystone và sức ép quốc tế để hạn chế sản xuất dầu trong những năm tới, vì quốc gia giàu dầu mỏ này khẳng định cần duy trì ngành công nghiệp dầu mỏ đang thịnh vượng để tồn tại.

Đầu tiên, đó là việc hủy bỏ một dự án cơ sở hạ tầng dầu mỏ khổng lồ, mở rộng đường ống Keystone XL trị giá 8 tỷ USD, dài 1.700 dặm, được cho là chạy từ Alberta đến Nebraska, theo ước tính sẽ vận chuyển trung bình 800.000 thùng dầu mỗi ngày.

Dự án này đã bị cấm tới cấm lui, ban đầu bị Tổng thống Obama hủy bỏ nhưng sau đó được Tổng thống Trump phê duyệt lại. Tuy nhiên, khi Tổng thống Biden nhậm chức vào năm nay, với vấn đề biến đổi khí hậu được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính trị của ông, hy vọng về đường ống dẫn dầu này một lần nữa lại tiêu tan.

Sau đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố báo cáo mang tính bước ngoặt của họ vào tháng 5 này, “Net Zero vào năm 2050: Lộ trình cho ngành năng lượng toàn cầu”, kêu gọi hạn chế khai thác dầu, chấm dứt các dự án thăm dò mới và chuyển đổi dần để không phát thải carbon cùng với việc sử dụng nhiều hơn các giải pháp thay thế năng lượng tái tạo. Điểm này đã được nhắc lại trong tháng này trong báo cáo khí hậu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).

Vì ngành công nghiệp cát dầu của Alberta cực kỳ nặng carbon, tạo ra lượng khí thải CO2 trên mỗi thùng dầu tương đương nhiều hơn gấp 3 đến 5 lần do quá trình khai thác khó khăn, miền tây Canada đã tác động lớn bởi sự khuyến khích quốc tế để từ bỏ loại dầu này.

Danh tiếng của Canada đã bị hoen ố vì những lời kêu gọi cắt giảm carbon được lặp đi lặp lại và sự thất bại của rất nhiều dự án đường ống dẫn dầu của nước này. Nhiều đến mức tờ Financial Post đã dán nhãn quốc gia này là “nghĩa địa của các dự án đường ống khổng lồ”.

Tuy nhiên, Alberta là nơi có trữ lượng dầu lớn thứ ba thế giới, vẫn được cho là có khoảng 173 tỷ thùng dầu có thể khai thác về mặt kinh tế, điều này đã khiến Thủ hiến tỉnh bang Alberta Jason Kenney nói rằng việc từ bỏ dầu sẽ là điều không thể đối với quốc gia giàu dầu mỏ này.

Trước áp lực quốc tế buộc Canada phải hạn chế sản xuất dầu trong những năm tới, ông Kenney tuyên bố, “Thật là một ý tưởng không tưởng rằng chúng ta có thể đột ngột chấm dứt việc sử dụng năng lượng dựa trên hydrocacbon. Thay vào đó, thách thức là giảm sản lượng carbon và CO2, và Alberta ngày càng dẫn đầu thế giới về mặt đó”.

Và Canada hiện đang chỉ trích quyết định của Tổng thống Biden về việc hủy bỏ đường ống Keystone trước lời kêu gọi tăng sản lượng gần đây của chính quyền Biden đối với OPEC + để ổn định giá dầu.

Tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã đưa ra tuyên bố cảnh báo về tác động của giá xăng ngày càng tăng, yêu cầu OPEC + xem xét lại việc cắt giảm sản lượng hiện tại của họ để cải thiện giá dầu.

Sonya Savage, Bộ trưởng Năng lượng của Alberta, đã phản hồi yêu cầu của Mỹ đối với OPEC + bằng cách nhắc nhở chính quyền của ông Biden về mối quan hệ bị tổn hại và mất tiềm năng của ngành dầu Mỹ-Canada, “Chính quyền Biden kêu gọi OPEC tăng sản lượng dầu để giải cứu nước Mỹ khỏi mức giá nhiên liệu cao trong nhiều tháng sau khi hủy bỏ đường ống Keystone XL là hành vi đạo đức giả. "

Ông Kenney nói thêm, thông qua một dòng tweet, "Tại sao chính phủ Hoa Kỳ chặn nhập khẩu năng lượng từ nước láng giềng Canada thân thiện, trong khi thúc ép nhập khẩu nhiều hơn từ các chế độ độc tài Opec và Nga của Putin?"

Trong khi đó, mức sản xuất ở Alberta bằng cách nào đó dường như vẫn tiếp tục tăng lên bất chấp vô số thách thức đã xảy ra trong năm nay. Cụ thể, sản lượng dầu ở Alberta đã tăng vượt mức trước đại dịch 2019, đạt trung bình 3,53 triệu thùng/ngày từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay.

Sản lượng cát dầu chiếm khoảng 86% con số này, vì các cơ sở không được tận dụng trước đây đang phát huy hết tiềm năng của chúng. Xuất khẩu dầu của Alberta cũng cao hơn trong nửa đầu năm 2021, tăng 4 phần trăm vào năm 2020 và 1,7 phần trăm vào năm 2019.

Ngoài ra, cát dầu có thể bắt đầu xuất khẩu vào tháng tới nhờ cơ sở hạ tầng được làm mới. Đường ống Line 3 thuộc Enbridge Inc. có công suất 760.000 thùng/ngày nối từ Alberta tới Wisconsin có thể bắt đầu hoạt động sớm nhất vào ngày 15 tháng 9, thay thế một đường ống cũ hơn chỉ vận chuyển 390.000 thùng/ngày.

Nhưng Canada không bỏ qua những lời kêu gọi hành động về biến đổi khí hậu khi nước này tiến hành các dự án dầu mỏ của mình. Chẳng hạn như, một cách mà Alberta có thể giải quyết trước những lời chỉ trích quốc tế để giành lại sự ủng hộ cho ngành công nghiệp dầu mỏ là thông qua đầu tư lớn vào các dự án thu giữ và lưu trữ carbon (CCS). Suncor Energy nhấn mạnh sự cần thiết của các khoản trợ cấp chính phủ lớn hơn để phát triển các công nghệ CCS như lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) để giảm lượng khí thải carbon mà không cắt giảm sản lượng dầu.

Nếu Thủ tướng Justin Trudeau muốn tiếp tục phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ đồng thời với việc cắt giảm carbon, như ông vẫn thường xuyên ra hiệu, với mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 từ 40 đến 45% vào năm 2030 so với mức năm 2005, chính phủ của ông sẽ phải thực hiện các khuyến nghị này từ những công ty dầu khí.

Mặc dù ngành công nghiệp dầu mỏ của Canada bị ảnh hưởng sau nhiều đòn giáng liên tiếp, nhưng nó có vẻ đủ kiên cường để chống chọi với những thử thách. Mặc dù vậy, Thủ tướng Trudeau sẽ phải xem xét đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ CCS để hỗ trợ lĩnh vực này trước sự chỉ trích ngày càng tăng của quốc tế và ông Biden có thể sẽ phải xem xét lại lập trường cứng rắn của mình đối với dầu mỏ Canada để quản lý sự ổn định lâu dài của giá dầu trong một thời gian hỗn loạn.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM