Tại Nghị quyết phiên họp với địa phương được Văn phòng Chính phủ thông báo ngày 18/7, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phải sớm báo cáo phương án điều chỉnh, giảm các loại thuế với xăng dầu.
Cụ thể, Bộ Tài chính được giao tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu, đánh giá kỹ tác động đến ngân sách nhà nước để chuẩn bị sẵn phương án khi cần thiết nếu còn dư địa để kiểm soát mặt bằng chung.
Trong cơ cấu giá bán lẻ hiện nay, mỗi lít xăng, dầu đang phải chịu 4 loại thuế, gồm thuế nhập khẩu là 10%; thuế giá trị gia tăng 10%; thuế bảo vệ môi trường hiện đã về kịch sàn là 1.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu; thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào mặt hàng xăng (RON 95 chịu thuế 10%; E5 là 8%; E10 là 7%), không áp dụng với mặt hàng dầu. Tổng các loại thuế và chi phí khác đánh vào mặt hàng xăng dầu của Việt Nam chiếm 28-35% giá bán lẻ.
Theo tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Viêt Nam, hiện 1 lít xăng RON 95-III đang cõng gần 10.000 đồng tiền thuế, cộng với các khoản phí thì lên tới hơn 11.000 đồng. Đây là mức khá cao. Các doanh nghiệp đang trông chờ vào việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT với xăng dầu để hỗ trợ sản xuất, phục hồi kinh tế.
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm VAT đối với xăng và dầu; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng từ 20% xuống mức 10%, nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đối với mặt hàng dầu đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.
Theo quy trình, khi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ trình phương án giảm thuế lên các thành viên của Chính phủ. Nếu được Chính phủ chấp thuận, Bộ sẽ trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp gần nhất, dự kiến vào tháng 10 tới.
Tại cuộc họp mới nhất của Ban Điều hành giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong bối cảnh chịu nhiều áp lực, kết quả điều hành giá trong 6 tháng đầu năm rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, tình hình diễn biến khó lường, áp lực tăng giá, kiểm soát chỉ số giá và lạm phát rất lớn.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Tài chính tính toán kỹ, nếu còn dư địa thì đề xuất cấp có thẩm quyền giảm thêm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, tránh tác động lớn đến CPI.
Các chuyên gia cho rằng, đề xuất giảm thuế là cửa hẹp duy nhất để hạ nhiệt giá nhiên liệu trong nước và không nên chờ tới tháng 10, Quốc hội nên có giải pháp xử lý đặc biệt trong tình huống đặc biệt.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội nhận định: “Nếu theo quy định thông thường, tháng 10 trình Quốc hội và đến tận tháng 11, đề xuất nêu trên mới có thể thực hiện. Khi đó, giá cả nhiều mặt hàng, dịch vụ có thể sẽ tăng thêm nữa khi giá xăng dầu tiếp tục lập đỉnh mới. Sức mua sẽ kiệt quệ, mục tiêu phục hồi nền kinh tế sẽ gặp nhiều trở ngại".
Nguồn tin: VNBUSINESS