Khi Tổng thống Donald Trump hôm Chủ nhật cho biết Mỹ đã “khóa mục tiêu và lên nòng” để đáp trả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi, nhiều người đã ngửi thấy mùi chiến tranh. Mặc dù hôm thứ Hai, ông Trump đã rút lại tuyên bố này và nói rằng ông không muốn một cuộc chiến, nhưng nỗi lo về sự leo thang ở Trung Đông vẫn còn. Và một người thua cuộc lớn từ sự leo thang như vậy sẽ là Trung Quốc.
Sau các cuộc tấn công vào thứ Bảy, dầu thô Brent đã nhanh chóng nhảy vọt lên hơn 70 đô la một thùng trước khi lùi về 68 đô la tại thời điểm viết bài này. Tại Trung Quốc, hợp đồng tương lai dầu thô và sản phẩm tinh chế đã tăng vọt trong ngày 16/9, khi các nhà máy lọc dầu đổ xô mua dầu tích trữ. Theo công ty nghiên cứu thị trường JLC, cứ mỗi 5 đô la tăng thêm trong giá Brent sẽ làm tăng chi phí của dầu thô nhập khẩu đối với các nhà máy lọc dầu độc lập khoảng 40 đô la mỗi tấn. Đó là một cú sốc khá lớn để đối phó. Và nó có thể trở nên tồi tệ hơn.
Trung Quốc đã cam kết đầu tư 400 tỷ đô la vào các cơ sở hạ tầng năng lượng, khí đốt và năng lượng của Iran trong 25 năm tới, Kenneth Rapoza lưu ý trong một bài báo cho Forbes hôm 16/9. Đây là một cam kết quan trọng nhằm đảm bảo nguồn cung dầu khí trong tương lai rất cần thiết cho Trung Quốc, nơi sản xuất trong nước không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nước này. Đối với Iran, đó là một cách để tiếp tục kiếm tiền từ dầu của mình bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Các mặt hàng sẽ được định giá bằng nhân dân tệ và các loại tiền tệ khác mà Trung Quốc dự trữ. Tuy nhiên, nếu Mỹ hoặc Ả Rập Xê Út quyết định hành động vì họ tin rằng Iran đứng đằng sau các cuộc tấn công hôm thứ Bảy và nhắm vào các mỏ dầu, thì “điều đó có thể sẽ làm mất khoản tiền đầu tư của Trung Quốc”, Rapoza viết.
Theo ước tính ban đầu, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào mỏ dầu Khurais và cơ sở chế biến dầu Abqaiq đã làm mất khoảng 5,7 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, công ty phân tích dữ liệu dầu OilX đã ước tính khoản lỗ lũy kế trong ba ngày tính đến thứ Hai ở mức khoảng 12 triệu thùng. Saudi Arabia có đủ dầu trong kho dự trữ để trang trải cho 10 ngày xuất khẩu với tốc độ 7 triệu thùng/ngày, các nhà phân tích của OilX lưu ý rằng có thể tăng tốc độ khởi động lại hoạt động sản xuất tại Khu vực trung lập với Kuwait để bù đắp nguồn cung bị mất.
Việc mất 12 triệu thùng trong nguồn cung, mặc dù chỉ là tạm thời, nhưng cũng đủ để làm rung chuyển thị trường và đẩy giá lên cao hơn. Nhưng đối với Trung Quốc, đây là vấn đề nhỏ hơn. Vấn đề lớn hơn là sự trả thù. Phiến quân Houthi ở Yemen đã nhanh chóng nhận trách nhiệm -và tự hào -về vụ tấn công, nhưng Mỹ và Ả Rập Saudi đã đổ lỗi cho Iran. Liệu họ có đúng hay không là không liên quan, Rapoza nói. Sự thật là họ tuyên bố rằng Iran đứng sau các cuộc tấn công, bên cạnh một cuộc tấn công trả đũa, còn có thể dẫn đến sự thắt chặt hơn nữa trong các lệnh trừng phạt của Mỹ, và Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả cùng với đồng minh của mình.
Những người khác đã bị ảnh hưởng, Rapoza nhắc lại. BNP Paribas đã bị phạt 9 tỷ USD vì vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran vài năm trước. Total, đại gia Pháp, đã cam kết đầu tư hàng tỷ đô la vào việc phát triển mỏ khí South Pars, nhưng phải rút khỏi Iran khi Trump tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran. Công ty còn lại đầu tư vào mỏ dầu này là CNPC của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó, cũng đã ngưng lại tất cả việc thi công tại mỏ dầu này vì sợ phải chịu lệnh trừng phạt.
Trung Quốc có lẽ là chủ nợ lớn nhất của Iran. Họ có thể thu lợi nhiều nhất nếu sức ép từ Mỹ được dỡ bỏ và cũng là người mất mát nhiều nhất nếu sức ép này gia tăng. Hiện tại, tình hình đang diễn ra theo hướng thứ hai.
Nguồn tin: xangdau.net