Nhà đầu tư chiến lược là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận của PVOIL, nhờ giúp mở và mua lại các cửa hàng bán lẻ mới một cách hiệu quả từ nguồn tiền bán vốn “khủng”. Theo tính toán của SSI, lợi nhuận trên lít mảng phân phối bán lẻ cao gấp 4 đến 5 lần so với phân phối đại lý.
Lợi nhuận trên lít mảng phân phối bán lẻ cao gấp 4 đến 5 lần so với phân phối đại lý.
Ngày 25/1/2018, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã mở bán 20% cổ phần ra công chúng (IPO) với giá khởi điểm 13.400 đồng/cổ phiếu. Phiên IPO này được đánh giá là rất thành công khi giá trúng thầu trung bình là 20.196 đồng/cổ phiếu, cao hơn 51% so với giá khởi điểm.
Được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành công từ đợt IPO nhưng đợt mở bán 45% cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược diễn ra sau đó lại không thể hoàn tất.
Báo cáo nhận định về PVOIL mới đây của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) hé lộ nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “lỡ hẹn” này.
Cụ thể, ngoài quy định PVOIL phải hoàn thành quy trình chào bán trong vòng 3 tháng (tương tự như Nhà máy lọc dầu Bình Sơn), còn có một số yêu cầu khác đối với nhà đầu tư chiến lược.
Những yêu cầu mới này bao gồm nhà đầu tư chiến lược phải tiếp tục kinh doanh cốt lõi và thương hiệu của PVOIL trong ít nhất 10 năm sau khi đầu tư. Nhà đầu tư chiến lược cũng phải cho phép PVOIL mua các sản phẩm xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong ít nhất 10 năm sau IPO. Cuối cùng, nhà đầu tư chiến lược phải cho phép PVOIL thoái vốn khỏi PETEC theo kế hoạch.
“Do PVOIL chưa kết thúc đàm phán với nhà đầu tư chiến lược trong vòng 3 tháng sau IPO, có khả năng là việc thoái vốn 45% cổ phần sẽ thực hiện thông qua sàn giao dịch chứng khoán”, SSI nhìn nhận.
Công ty chứng khoán này cho rằng, nhà đầu tư chiến lược là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận, nhờ giúp PVOIL phát triển trong việc mở và mua lại các cửa hàng bán lẻ mới.
“Trở thành một công ty tư nhân mở ra nhiều cơ hội hơn trong việc đưa ra quyết định nhanh hơn và hiệu quả hơn, có thể mua các cửa hàng bán lẻ bằng một phương pháp hiệu quả hơn về chi phí”, SSI đánh giá.
Cùng với đó, nguồn tiền “khủng” từ việc bán 45% cổ phần cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy chiến lược “bành trướng” mạng lưới bán lẻ của PVOIL. Tính theo thị giá hiện tại, lượng tiền trên lên đến trên 7.000 tỷ đồng.
Hiện PVOIL phân phối trong nước khoảng 3,2 triệu tấn/ năm, là nhà phân phối nội địa lớn thứ hai, chiếm khoảng 20-22% thị phần. Trong đó, 25% sản lượng nội địa đến từ khoảng 540 trạm bán lẻ thuộc sở hữu của PVOIL.
Giai đoạn 2018 – 2022, PVOIL đặt mục tiêu đạt thị phần 35%, tỷ trọng bán lẻ 35, phát triển hơn 1.000 cửa hàng xăng dầu, bình quân hơn 200 cửa hàng xăng dầu/năm chủ yếu thông qua M&A.
Sở dĩ PVOIL muốn đẩy mạnh hoạt động bán lẻ thông qua mở rộng cửa hàng bán lẻ là bởi lợi nhuận trên lít mảng phân phối bán lẻ cao gấp 4 đến 5 lần so với phân phối đại lý, theo ước tính của SSI.
Thêm vào đó, việc phân phối qua cửa hàng xăng dầu bán lẻ cho phép PVOIL tiết kiệm chi phí đầu vào, chi phí hoạt động và chi phí vận chuyển.
Về việc tích hợp các cửa hàng tiện lợi tại các cửa hàng xăng dầu bán lẻ, PVOIL hiện chưa có bất kỳ kế hoạch nào trước khi tìm được nhà đầu tư chiến lược.
Nguồn tin: Vietnamfinance