Trong quý II, cơ quan quản lý đã phải sử dụng thêm gần 527 tỷ đồng để bình ổn giá mặt hàng xăng dầu trong nước, con số này giảm mạnh so với mức chi quý I là 169,920 tỷ đồng.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu quý II/2022.
Cụ thể, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết ngày 30/6 là 310,794 tỷ đồng. Trong quý II năm 2022 từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6, tổng số trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu là 1.007,807 tỷ đồng; tổng số sử dụng quỹ là 526,726 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy, số dư quỹ đã trở lại mức dương sau khi các doanh nghiệp xăng dầu trích lập hơn 1.000 tỷ đồng trong quý gần nhất.
Trước đó, tính đến cuối tháng 3, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu đã xuống mức âm gần 170 tỷ đồng do 3 tháng đầu năm giá xăng dầu liên tục tăng cao, khiến cơ quan quản lý phải sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với số chi lớn hơn số dư quỹ còn lại và số tiền được các doanh nghiệp trích lập thêm.
Sang quý II, các doanh nghiệp xăng dầu trong nước phải trích lập thêm gần 1.008 tỷ đồng vào Quỹ. Cùng với đó, giá xăng dầu từ nửa đầu quý II giảm đáng kể so với cuối quý I nên số tiền phải chi ra để bình ổn giá chỉ là gần 527 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức chi quý I là 169,920 tỷ đồng. Theo đó, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý II đã dương trở lại ở mức gần 311 tỷ đồng.
Tính trong nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp xăng dầu trong nước đã trích tổng cộng 1.610 tỷ đồng vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ngược lại, quỹ này đã phải chi ra gần 2.200 tỷ đồng để bình ổn giá mặt hàng xăng dầu trong nước, tương đương mức chi hơn 12,2 tỷ đồng/ngày.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong quý II, lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu dương 1,426 tỷ đồng. Ngược lại, lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm 1,792 triệu đồng.
Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, việc công khai quỹ bình ổn giá nhằm tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định. “Việc sử dụng công cụ điều hành này giúp quyền lợi của người dân và doanh nghiệp được đảm bảo. Do đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu không dùng cho ngân sách và cũng không cho bất kỳ ai. Chỉ phục vụ điều hành, điều hòa giá trong nước khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nói.
Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được cơ quan điều hành trích và chi thích hợp. Đơn cử, 8 kỳ chi liên tục từ ngày 21/1 đến 21/4 sau đó 5 kỳ liên tục tăng từ ngày 1/4 đến 21/6 cũng chi liên tục. Điều này khiến giá bình quân thành phẩm xăng dầu trên thế giới tăng 11,38-45,95% nhưng trong nước đến kỳ điều hành ngày 22/8 chỉ tăng 1,14-40,37%.
"Đến khi giá giảm nhiều, chúng ta lại trích vào quỹ một phần. Một điều rất quan trọng, ở Việt Nam, nếu giá xăng tăng, các mặt hàng khác tăng, nhưng khi xăng giảm thì các mặt hàng khác không giảm. Nếu để giá xăng tăng đúng mức độ, không có quỹ bình ổn thì giá các mặt hàng khác sẽ tăng cao hơn", ông Hải nhìn nhận.
Nguồn tin: VNBUSINESS