Châu Phi sẽ cần khoản đầu tư 190 tỷ USD mỗi năm từ năm 2026 đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu năng lượng, theo một quan chức của công ty điều hành nhà máy nhiệt điện lớn nhất Nigeria.
“Việc đạt được các mục tiêu về năng lượng và khí hậu của Châu Phi có nghĩa là tăng gấp đôi khoản đầu tư năng lượng trong thập kỷ này. Nghĩa là sẽ cần khoản đầu tư 190 tỷ USD mỗi năm từ năm 2026 đến năm 2030, với hai phần ba sẽ rót vào năng lượng sạch”, Seyi Sobogun, người đứng đầu các dự án vốn tại Egbin Power Plc của Nigeria, cho biết tại một sự kiện năng lượng ở Senegal, trích dẫn những kết luận từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Sobogun cho biết trong hai thập kỷ từ năm 2000 đến năm 2019, Châu Phi đã nhận được tổng cộng 109 tỷ đô la cam kết công khai trong lĩnh vực năng lượng, với gần 60 tỷ đô la cam kết cho năng lượng tái tạo.
Egbin Power vận hành một trong những nhà máy nhiệt điện lớn nhất ở châu Phi cận Sahara và đóng góp hơn 16% tổng lượng điện được tạo ra cho Lưới điện Quốc gia Nigeria, công ty nơi Sobogun làm việc cho biết trên trang web của hãng.
Sobogun cho biết châu Phi sẽ tiếp tục dựa vào khí đốt tự nhiên để phát điện và dự kiến tỷ lệ sản xuất điện tái tạo sẽ tăng lên 59% vào năm 2030 từ mức 21% của năm 2020.
Tuy nhiên, để sản xuất 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050, lục địa này sẽ cần khoảng 2,64 nghìn tỷ đô la đầu tư, gần bằng quy mô GDP của châu lục, ông nói thêm.
IEA cho biết trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng Châu Phi 2022 vào tháng 6, cuộc khủng hoảng năng lượng nêu bật tính cấp thiết phải đầu tư vào năng lượng sạch hơn và rẻ hơn ở châu Phi, nơi phần lớn người dân không tiếp cận được điện trên toàn thế giới đang sinh sống.
“Điện là xương sống của các hệ thống năng lượng mới của Châu Phi, được cung cấp ngày càng nhiều bởi năng lượng tái tạo. Châu Phi là nơi có 60% nguồn năng lượng mặt trời tốt nhất trên toàn cầu, nhưng chỉ có 1% công suất điện mặt trời được lắp đặt. IEA cho biết trong báo cáo rằng: Điện mặt trời – đã là nguồn năng lượng rẻ nhất ở nhiều nơi tại Châu Phi – sẽ vượt qua tất cả các nguồn trên toàn lục địa vào năm 2030”.
Nguồn tin: xangdau.net