Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Châu Âu muốn lấp đầy kho dự trữ để chuẩn bị cho việc Nga ngừng cung cấp khí đốt vĩnh viễn

Khi Gazprom ngưng vận chuyển khí vào đầu tháng này qua đường ống Nord Stream 1, Liên minh châu Âu - cụ thể là Đức - đã chuẩn bị cho việc ngừng dòng chảy đó vĩnh viễn. Mối quan hệ xấu đi giữa Brussels, Berlin và Moscow đã khiến cho việc tạm dừng như vậy là một khả năng dễ nhận thấy, nhưng Gazprom đã khởi động lại dòng chảy khí sau khi kết thúc bảo trì theo kế hoạch vào ngày 21/7.

Vài ngày sau, Gazprom cho biết sẽ giảm lưu lượng này xuống còn 20% công suất. Trong khi đó, EU đang cố gắng lấp đầy kho khí đốt của mình trước mùa đông. Khối này có thể không đạt được mức cần thiết để vượt qua mùa đông ngay cả khi không có thêm những cú sốc về giá và nguồn cung.

Mục tiêu của Liên minh châu Âu nhìn chung là bổ sung kho khí đốt của mình lên 80% trước cuối tháng 10, Reuters cho biết trong một phân tích gần đây, trích dẫn dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu. Đức tham vọng hơn, nhắm đến mức lấp đầy kho lưu trữ là 95% vào cuối tháng 10.

Theo các nhà phân tích của Wood Mackenzie, nếu Gazprom tiếp tục đưa khí đốt đến Đức với mức giá hiện tại thông qua Nord Stream 1, mục tiêu chung của EU có thể đạt được. Tuy nhiên, mục tiêu của Đức thì không thể đạt được.

Các nhà phân tích cho rằng với 20% công suất, đường ống Nord Stream 1 có thể giúp EU đạt mức lấp đầy kho dự trữ từ 75 đến 80%. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến EU có ít khí đốt vào cuối mùa sưởi ấm, một nhà phân tích của Wood Mac chỉ ra.

Bà Kateryna Filippenko nói với Reuters: “Do đó, châu Âu có thể sẽ vượt qua mùa đông với chỉ 20% lượng khí đốt trong kho vào cuối tháng 3 - một mức rất thấp”.

Trong khi đó, mức dự trữ khí đốt trên toàn EU ở mức gần 60% vào cuối tháng 6, nhờ tốc độ bơm cao hơn bình thường hồi đầu năm, do xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay.

Dữ liệu xuất khẩu mới nhất cho thấy Hoa Kỳ cung cấp nhiều LNG hơn cho châu Âu trong nửa đầu năm nay so với cả năm 2021, Reuters đưa tin trong tháng này. Châu Âu đã vượt qua Châu Á để trở thành khách hàng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Hoa Kỳ vào đầu năm nay và tiếp tục là người mua lớn nhất.

Về mặt tuyệt đối, xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Hoa Kỳ sang châu Âu ở mức 37 tỷ m3 trong sáu tháng đầu năm, chiếm 68% tổng xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là xuất khẩu thực tế đã vượt cam kết của Tổng thống Biden là sẽ vận chuyển cho châu Âu thêm 15 tỷ m3 LNG ngoài mức xuất khẩu năm 2021.

Tin xấu là tốc độ xuất khẩu sang châu Âu đã chậm lại do vụ nổ tại Freeport LNG, dẫn đến việc ngừng hoạt động tại cơ sở này cho đến khoảng cuối năm. Freeport LNG chiếm khoảng 1/5 công suất hóa lỏng của Hoa Kỳ.

Ngay cả với tốc độ thấp hơn, hầu hết Liên minh châu Âu dường như sẽ tích lũy đủ khí đốt để sống sót qua mùa đông, đặc biệt là khi các quốc gia thành viên của khối đã đồng ý tự nguyện giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt.

Tuy nhiên, Đức đang phải đối mặt với một mùa sưởi ấm có vấn đề. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang chao đảo vì lượng khí đốt của Nga cung cấp thấp hơn và đã phải chi hơn 15 tỷ USD để cứu trợ cho một trong những công ty khí đốt lớn nhất của Đức, Uniper, công ty này đã sụp đổ trong bối cảnh giá tăng cao và lượng khí đốt của Nga thấp hơn.

EU cũng đã đồng ý với một cơ chế đoàn kết vào đầu tuần này, được cho là sẽ quan tâm tới những thành viên gặp phải tình trạng thiếu khí đốt, thúc đẩy những nước khác hành động để giúp đỡ những thành viên không may này.

Tuy nhiên, nếu nguồn cung khí đốt vẫn khan hiếm trên toàn EU, có thể sẽ không có nhiều người đến giải cứu Đức, dựa trên phản ứng của một số thành viên phía Nam đối với đề xuất cắt giảm tiêu thụ và tính đoàn kết.

Reuters dẫn lời nhà phân tích Karolina Siemieniuk của Rystad Energy cho biết: “Toàn bộ hệ thống năng lượng châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng, và ngay cả khi Nord Stream 1 được khởi động lại, thì khu vực này cũng đang ở trong tình thế khó khăn với nguy cơ đối với an ninh năng lượng”.

“Các nước châu Âu sẽ cần phải hợp tác cùng nhau nhanh chóng nếu họ muốn sống sót qua mùa đông tương đối bình yên và ngay cả khi họ làm vậy, bóng ma của mùa đông tiếp theo vào năm 2023/2024 cũng có khả năng khiến giá cả tăng cao trong nhiều tháng,” Siemieniuk nói thêm.

Thật không may, điều duy nhất mà các quốc gia châu Âu có thể làm cùng nhau là giảm nhu cầu vì không có công suất LNG bổ sung nào sẽ sớm được đưa đến một trạm tiếp nhận gần họ. Công suất của Hoa Kỳ sẽ tăng trong năm nay, khi Calcasieu Pass của Venture Global đưa vào vận hành các đơn vị hóa lỏng mới nhưng mức tăng đó sẽ chỉ khoảng 200 triệu cu ft mỗi ngày.

Năm tới sẽ mang lại một số tin tốt cho các nhà nhập khẩu LNG của châu Âu khi công suất của Hoa Kỳ tăng từ tổng cộng 13,8 tỷ cu ft mỗi ngày trong năm nay lên 14,2 tỷ cu ft mỗi ngày. Nhưng trước hết, họ phải sống sót qua mùa đông này mà không gây ra quá nhiều đau đớn cho các cử tri.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM