Người mua châu Á đã mua một lượng đáng kể dầu thô giá rẻ của Mỹ trên thị trường giao ngay, cho thấy nhu cầu đối với các loại dầu thô Trung Đông sẽ thấp hơn trong tương lai, Bloomberg đưa tin, dẫn lời các nhà giao dịch.
Theo họ, các nhà máy lọc dầu của Hàn Quốc và Ấn Độ đã mua khoảng 16 triệu thùng dầu thô của Mỹ trên thị trường giao ngay từ đầu tháng 8 cho tới nay, với phần lớn số dầu sẽ được giao vào tháng 11. Con số đó nhiều gấp đôi so với mức đã mua vào tháng 7 nhưng vẫn ít hơn một chút so với 5 tháng đầu năm.
Chênh lệch giá giữa dầu WTI và các loại dầu Trung Đông trở nên hấp dẫn trong bối cảnh nhu cầu xăng của Mỹ bất ngờ giảm vào mùa hè này, dẫn đến giá WTI thấp hơn. Đồng thời, dầu thô Trung Đông vẫn ở mức tương đối đắt đỏ.
Trong khi đó, Ả Rập Xê Út, một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất cho các nước châu Á, đã tăng giá bán dầu chính thức lên mức cao kỷ lục vào đầu tháng này, với dầu Arab Light ở mức chênh lệch cao hơn 9,80 USD/thùng so với chuẩn Oman/Dubai.
Hàn Quốc và Ấn Độ đều phụ thuộc phần lớn vào dầu thô nhập khẩu cho tiêu thụ trong nước.
Hàn Quốc dựa vào các mặt hàng nhập khẩu cho hơn 93% mức tiêu thụ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Về dầu, nước này nhập khẩu hơn 73% từ Trung Đông.
Về phần mình, Ấn Độ phụ thuộc vào nhập khẩu cho hơn 80% lượng dầu mà nước này tiêu thụ. Giống như Hàn Quốc, nước này nhập khẩu phần lớn dầu từ các nhà cung cấp Trung Đông, mặc dù năm nay, những người mua dầu của Ấn Độ đã tăng cường mua dầu giá rẻ của Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đầu năm nay, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Ấn Độ, chỉ sau Iraq và vượt Ả Rập Xê-út, khi giá dầu của Nga giảm do lệnh trừng phạt bù đắp chi phí vận chuyển cao hơn.
Sắp tới, các nguồn đưa tin của Bloomberg có vẻ thận trọng, chỉ ra rằng tỷ suất lợi nhuận của ngành lọc dầu ở châu Á đang giảm, khi một số nhà máy lọc dầu đang nghĩ đến việc giảm công suất hoạt động trong môi trường này. Điều này cho thấy nhu cầu của người mua dầu châu Á có thể giảm trong những tháng tới.
Nguồn tin: xangdau.net