Tất cả những nỗ lực của châu Âu nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu khí của Nga có thể đã vô ích. Trong khi Liên minh châu Âu đã cho thấy thành công đáng kể trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào khí đốt của Nga, thì các nước châu Á đã không đi theo con đường tương tự. Kết quả là mang lại một nguồn năng lượng giá rẻ bất ngờ cho Trung Quốc và Ấn Độ, và làm suy yếu nghiêm trọng đòn giáng đối với Moscow.
Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của phương Tây nhằm thúc đẩy một cuộc tấn công phối hợp vào nền kinh tế năng lượng của Nga nhằm lên án cuộc chiến đang diễn ra của Điện Kremlin ở Ukraine, một số nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đã không hợp tác. Quả thực, những gã khổng lồ năng lượng bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ đã tận dụng tình trạng dư thừa đột ngột nhiên liệu hóa thạch của Nga, để mua nhiều dầu thô đến mức, vừa mới tháng trước, Markets Insider đã báo cáo “Trung Quốc và Ấn Độ đang mua quá nhiều dầu của Nga đến mức Moscow hiện đang bán nhiều dầu thô hơn so với trước khi xâm chiếm Ukraine.”
Và kể từ báo cáo đó, việc châu Á mua các nguồn cung năng lượng của Nga chỉ càng tăng hơn nữa. Do đợt nắng nóng nghiêm trọng, các lưới điện trên khắp châu Á đang ở trong tình trạng cực kỳ căng thẳng, và nhu cầu đối với than, khí đốt và dầu mazut đã tăng mạnh. Theo số liệu từ công ty theo dõi dữ liệu Kpler, xuất khẩu than sang châu Á đã tăng 1/3 so với năm ngoái, xuất khẩu dầu nhiên liệu vừa có hai tháng cao nhất trong lịch sử, và xuất khẩu LNG cũng tăng tương đối lớn.
Tính đến thời điểm hiện tại, dầu của Nga chiếm gần 20% lượng dầu thô nhập khẩu hàng năm của Ấn Độ, so với chỉ 2% vào năm 2021, theo số liệu từ Ngân hàng Baroda do nhà nước Ấn Độ kiểm soát. Trung Quốc cùng với Ấn Độ đã nổi lên như là “những khách hàng nhiệt tình nhất mua dầu giá rẻ của Nga”, và bây giờ là than, khí đốt và dầu mazut của Nga, nhưng các quốc gia châu Á khác cũng đang kiếm bộn tiền từ vận may trời cho, đáng chú ý nhất là Hàn Quốc, Việt Nam, Malaysia và Sri Lanka. Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria cũng đã tăng đáng kể nhập khẩu từ Nga. Mặc dù là thành viên của EU, Bulgaria được miễn trừ khỏi lệnh cấm dầu mỏ của Nga, cho phép quốc gia này tiếp tục nhập khẩu bằng đường biển.
John Driscoll, giám đốc của JTD Energy Services Pte tại Singapore, cho biết: “Nơi tồi tệ nhất hiện nay trong bối cảnh nhiệt độ thiêu đốt như thế này là Nam Á, đặc biệt là các quốc gia nghèo hơn như Pakistan hay Bangladesh. “Khi bạn thậm chí không thể chăm sóc những nhu cầu cơ bản của người dân, thì rất khó để quan tâm quá nhiều đến các vấn đề quốc tế.”
Nhưng thực tế là kể từ khi bắt đầu cuộc chiến này, chưa bao giờ có một mặt trận thống nhất toàn cầu đứng lên chống lại các hành động của Nga ở Ukraine. Thật vậy, một báo cáo của Bruegel từ đầu năm nay cho biết gần 60% dân số toàn cầu cảm thấy trung lập về cuộc xâm lược Ukraine của Nga hoặc thực sự tán thành hành động gây hấn của Nga. Kết quả là, và như chúng ta có thể thấy rõ hiện nay ở châu Á, các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng của Nga về cơ bản là vô ích nếu không có sự hợp tác rộng rãi.
Tuy nhiên, Bruegel lập luận rằng những gì dường như là khả năng phục hồi trong nền kinh tế Nga và việc hoán đổi thị trường phương Tây để lấy thị trường phương Đông không thể kéo dài. Trên thực tế, Bruegel lập luận rằng các biện pháp trừng phạt là không quan trọng. “Có lẽ thay đổi quan trọng nhất là thông qua việc phơi bày trắng trợn sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch, sự gây hấn của Nga đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, và không chỉ ở EU,” báo cáo tháng Hai nêu rõ. “Mô hình kinh tế Nga hoàn toàn phụ thuộc vào một ngành công nghiệp mà sẽ trở nên không còn nữa.”
Không thể phủ nhận sự thúc đẩy các hiệp định thương mại toàn cầu và địa chính trị đã thay đổi chương trình nghị sự của các nền kinh tế cường quốc có đủ tầm ảnh hưởng để thay đổi quỹ đạo của toàn bộ thị trường năng lượng toàn cầu. Bằng cách uốn cong đòn bẩy của mình, Nga đã tự rước họa vào thân. Phản ứng trực tiếp với sự sụp đổ quan hệ giữa Brussels và Điện Kremlin, các nền kinh tế phương Tây đang tái ưu tiên chuỗi cung ứng năng lượng trong nước, với trọng tâm chính là năng lượng tái tạo. Chiến tranh cùng với trợ giá có thể đã đánh bật mốc thời gian chuyển đổi xanh mười năm, tờ Economist đưa tin vào đầu năm nay. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng đã báo cáo rằng cuộc chiến của Nga đã kích hoạt quá trình chuyển đổi năng lượng sạch "tăng tốc" và dự đoán nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh chỉ trong vòng 5 năm.
Nguồn tin: xangdau.net