Tân Hoa xã tại Viên (Áo) đưa tin, hiện nay giá dầu quốc tế đã giảm ở mức hồi đầu năm 2005. Tuy nhiên, xét về lâu dài, giá dầu thấp hiện nay không phải là xu hướng của giá dầu quốc tế. Về cơ bản, giá dầu quốc tế đang tăng.
Chuyên gia phân tích các vấn đề dầu mỏ của Ngân hàng hàng đầu của Áo cho biết, mặc dù giá dầu quốc tế hiện nay thấp. Nhưng xét về khía cạnh nào đó mà nói, thời đại dầu giá rẻ đã qua đi. Trong khoảng từ 3 - 5 năm tới, giá dầu quốc tế hoàn toàn có thể tăng mạnh tới 200 USD/thùng.
Trong thời gian qua, thế giới vẫn chưa phát hiện nguồn dầu mỏ phong phú nào mới để khai thác với quy mô lớn. Đây là dấu hiệu cho thấy nguồn dầu mỏ đang cạn kiệt. Còn trong thời gian này, khả năng khai thác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng đã bị hạn chế, trong đó sản lượng dầu mỏ của 6 nước thành viên thậm chí có thể đã bị vượt quá khả năng. Để đáp ứng nhu cầu dầu của thị trường quốc tế, sản lượng dầu mỗi ngày trên thế giới đến năm 2030 sẽ tăng từ 86 triệu thùng hiện nay lên đến 125 triệu thùng. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, giá dầu quốc tế vẫn đứng mức khoảng 40 USD/thùng. Cái giá này hơi thấp, không đủ để thu hút đầu tư khai thác dầu. Số liệu cho biết, đã có không ít các kế hoạch đầu tư dầu mỏ bị hoãn hoặc hủy bỏ. Cắt giảm đầu tư tất nhiên sẽ gây thiếu vốn cho chế biến, khai thác, vận chuyển…, là nguy cơ tiềm ẩn cho sự thiếu nguồn cung ứng dầu thế giới.
Dầu đã trở thành nguồn năng lượng chính của nhân loại. Cho dù con người vẫn đang tìm kiếm một nguồn năng lượng khác để thay thế, nhưng dù là các nguồn năng lượng tự nhiên như năng lượng hạt nhân, nước, gió, năng lượng mặt trời hay nguồn năng lượng tái sinh như mêtan… đều chưa thể thay thế hoàn toàn cho dầu mỏ và trở thành nguồn năng lượng chủ yếu của nhân loại.
Hơn 10 năm qua, cám dỗ từ lợi nhuận, các công ty dầu mỏ tư nhân với số tiền đầu tư ít vào lĩnh vực thăm dò, khai thác nhưng lại thu được khá nhiều lợi nhuận từ việc thu mua cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện nay do chưa thăm dò được vùng mỏ mới, việc cung cấp dầu thế giới hiện chủ yếu phụ thuộc vào một số khu vực sản xuất dầu trọng yếu. Cùng với sự cạn kiệt của nguồn dầu mỏ, khu vực sản xuất dầu đang ngày càng tập trung. Xét về góc độ an ninh năng lượng, hiện tượng tập trung hóa này lại không tốt chút nào.
Hiện nay, OPEC khống chế định mức thị trường dầu quốc tế khoảng 40%, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá dầu quốc tế. Hạn chế sản xuất để bảo vệ giá, với hy vọng giá sẽ tăng tới 75 USD/thùng. Để duy trì mức giá ổn định, OPEC chắc chắn sẽ cắt giảm sản lượng. Theo các nhà phân tích dầu mỏ, hai năm tới OPEC còn có thể điều chỉnh hạn ngạch sản xuất. Trong đó, vào tháng 3 tới OPEC sẽ quyết định cắt giảm khoảng 1 triệu thùng.
Ngoài OPEC, Nga, Mexico và vùng khai thác dầu Bắc Hải đều cắt giảm sản lượng. Theo dự tính, giá dầu quốc tế bình quân sẽ là 55USD/thùng, nhưng nếu kinh tế có dấu hiệu phục hồi, thì giá dầu có thể là 70USD/thùng.
Tuy nhiên, với nguồn dầu mỏ đang cạn kiệt, khả năng khai thác của các nước cũng sẽ bị hạn chế. Các nhân tố như giá thành sản phẩm dầu cao, đầu tư không đủ và tính lũng đoạn của nguồn dầu, giá dầu quốc tế ắt sẽ tăng lên, và giai đoạn này chắc sẽ đến sớm.
(Vitinfo)