Châu Âu cần thêm khối lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để xoa dịu thị trường thắt chặt và giảm bớt lo ngại về nguồn cung, Michael Lewis, Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng khổng lồ Uniper của Đức, nói với Bloomberg Television trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Năm.
“Cho đến khi khối lượng LNG được đưa ra thị trường nhiều hơn đáng kể, tình hình sẽ rất căng thẳng,” theo nhận định của Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng, được chính phủ Đức cứu trợ vào năm ngoái khi cuộc khủng hoảng năng lượng lên đến đỉnh điểm.
Đức đã quốc hữu hóa Uniper vào tháng 9 năm 2022 khi tìm cách ngăn chặn sự sụp đổ của các nhà cung cấp năng lượng và khí đốt trong nước, vốn đang thua lỗ do thiếu nguồn cung cấp khí đốt theo hợp đồng của Nga và mức giá cao mà họ phải trả trên thị trường giao ngay để thay thế khối lượng của Nga đã mất.
Giám đốc điều hành Lewis nói với Bloomberg rằng Uniper hiện đang xây dựng lại chính mình để có vị thế tốt hơn nhằm đối mặt với quá trình chuyển đổi năng lượng.
Uniper hiện kỳ vọng sẽ đạt được lợi nhuận cao hơn cho năm 2023 so với dự đoán trước đây nhờ đặt cược phòng ngừa rủi ro mà công ty đã thực hiện cho hoạt động kinh doanh sản xuất điện và phân phối khí đốt tự nhiên.
Về việc cung cấp khí đốt cho châu Âu và Đức, sự gián đoạn nguồn cung tiếp tục là một rủi ro đối với Đức, giám đốc điều hành của công ty điện lực lớn nhất nước, RWE, cho biết vào đầu tháng trước.
Giám đốc điều hành RWE Markus Krebber nói với ấn phẩm WirtschaftsWoche của Đức: “Chúng tôi không có bất kỳ vùng đệm nào trong hệ thống khí đốt”, đồng thời cho biết thêm rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt để tránh tình trạng thiếu hụt trong tương lai.
Đức dự kiến giá khí đốt tự nhiên sẽ vẫn ở mức cao cho đến ít nhất là năm 2027, chính phủ cho biết trong một báo cáo hồi tháng 8 về các biện pháp giảm thiểu chi phí năng lượng cao cho các hộ gia đình.
Một tuần trước đó, INES, một nhóm gồm các hãng vận hành kho khí đốt của Đức, cho biết trong báo cáo cập nhật khí đốt tháng 8 rằng Đức sẽ tiếp tục có nguy cơ thiếu khí đốt tự nhiên cho đến mùa đông 2026/2027 trừ khi thực hiện các biện pháp bổ sung các trạm tiếp nhận LNG, kho chứa khí đốt bổ sung hoặc đường ống.
Nguồn tin: xangdau.net