Một loạt các yếu tố tăng và giảm giá đã giằng co quyết liệt trên thị trường dầu mỏ trong năm nay khi nỗ lực thắt chặt thị trường của OPEC+ đối trọng với những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong hầu hết nửa đầu năm nay, giá giao dịch trong phạm vi tương đối hẹp 70-80 USD/thùng cho đến khi việc cắt giảm sản lượng bổ sung của Saudi Arabia cùng với việc cắt giảm của OPEC+ đã hỗ trợ tâm lý thị trường và giá dầu lên cao hơn trong tháng 7 và tháng 8, đồng thời lên cao hơn mức đỉnh hơn 90 USD/thùng của năm 2023 trong tuần này sau khi Ả Rập Saudi và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung cho đến cuối năm.
Tuy nhiên, giá dầu không tăng quá nhiều do bị đè nặng bởi những lo ngại đeo đẳng về tăng trưởng kinh tế ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cũng như sự tăng trưởng vốn đã yếu và gần như không diễn ra ở châu Âu.
Nhà báo Clyde Russell của Reuters lưu ý rằng sự không chắc chắn đang áp đảo và tiếp tục giữ giá dầu trong phạm vi hẹp, trớ trêu thay lại dẫn đến giá dầu tương đối ổn định.
Quả là đúng như vậy, thông báo mới nhất về việc gia hạn cắt giảm nguồn cung đã khiến giá dầu tăng cao. Nhưng chỉ tiến lên phạm vi giao dịch 85-90 USD/thùng và các nhà phân tích không chạy đua để dự đoán giá dầu 100 USD trong thời gian tới. Đó là bởi vì sự bất ổn đang bao trùm nền kinh tế toàn cầu và tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ.
Các yếu tố tăng giá
Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã thắt chặt thị trường, đặc biệt là thị trường dầu thô chua, do các nhà xuất khẩu Trung Đông - nhà sản xuất dầu chua lớn nhất - tạm dừng một số lô hàng. Ví dụ, Ả Rập Saudi theo ước tính đã chứng kiến xuất khẩu dầu thô trong tháng 8 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2021 khi Vương quốc này tiếp tục cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày để giữ thị trường thắt chặt và đẩy giá dầu lên cao.
Các nhà phân tích cho biết thị trường đang khan hiếm cung và những đợt cắt giảm mới nhất được công bố cho đến cuối năm nay có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trong quý 4, hỗ trợ giá dầu.
“Hiện tại, tình trạng thị trường thắt chặt vẫn được thể hiện rõ ràng thông qua cấu trúc giá bù hoãn bán (backwardation- nghĩa là giá của hợp đồng kỳ hạn được giao dịch thấp hơn giá giao ngay) tăng lên được thể hiện trên đường cong giá kỳ hạn, nhất là ở ngay phía trước nơi chênh lệch giữa WTI và Brent đều cho thấy mức bù hoãn bán khoảng 65 cent/thùng, tăng từ gần mức khoảng thời gian việc cắt giảm sản lượng của Saudi được thực hiện,” Ole Hansen, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, đã viết trong một ghi chú hôm thứ Tư.
“Mặc dù theo quan điểm của chúng tôi, xu hướng tăng vẫn còn hạn chế nhưng chắc chắn rằng việc cắt giảm sản lượng hiện tại sẽ giữ thị trường dầu thắt chặt, từ đó hỗ trợ giá dầu, nhưng liệu sự hỗ trợ đó có chuyển thành giá ổn định hay cao hơn hay không sẽ còn phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế vĩ mô sắp tới, và cùng với đó là triển vọng về nhu cầu,” Hansen nói thêm.
Các chiến lược gia Warren Patterson và Ewa Manthey của ING cho biết, những đợt cắt giảm mới nhất “khiến thị trường bị thâm hụt sâu hơn dự kiến trong quý 4 năm 2023, điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cả”.
Tuy nhiên, ngân hàng “miễn cưỡng điều chỉnh lại dự báo giá cao hơn sau thông báo gia hạn này, vì lo ngại về nhu cầu tiếp tục kéo dài và nguồn cung của Iran đang tăng lên”.
Dự báo cân bằng dầu của ING cho thấy thặng dư nhỏ trong quý đầu tiên của năm 2024, điều này sẽ hạn chế giá tăng cao hơn đáng kể. Ngân hàng tiếp tục dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 92 USD/thùng trong quý 4 năm nay.
“Nhìn xa hơn về phía trước, chúng tôi sẽ không loại trừ việc gia hạn thêm các khoản cắt giảm này (toàn bộ hoặc một phần) vào đầu năm tới, vì bảng cân đối kế toán của chúng tôi cho thấy thị trường dầu mỏ sẽ dư thừa một chút trong quý đầu tiên của năm tới. Các chiến lược gia của ING cho biết bất kỳ sự cắt giảm nào rõ ràng sẽ phụ thuộc vào việc giá dầu được giao dịch ở mức nào vào cuối năm nay và liệu lo ngại về nhu cầu có còn hiện hữu hay không.
Các yếu tố giảm giá
Những lực cản kinh tế vĩ mô và lo lắng về nhu cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc, đã hiện hữu kể từ đầu năm nay khi dữ liệu kinh tế vĩ mô của Trung Quốc cho thấy sự phục hồi kém ngoạn mục sau khi mở cửa trở lại. Ngoài ra, lãi suất cao hơn ở Mỹ làm gia tăng quan ngại về việc liệu Fed có thành công trong việc “hạ cánh mềm” sau hơn một năm rưỡi tăng lãi suất hay không.
Dữ liệu mới nhất cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt và Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp vào cuối tháng này.
Nhưng nếu dầu tăng cao hơn châm ngòi cho một làn sóng lạm phát trở lại, lãi suất có thể được giữ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc hiện đang mạnh, được thúc đẩy bởi việc tăng dự trữ và nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu, nơi đang xuất khẩu nhiều nhiên liệu hơn trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu.
Ông nói thêm, giá dầu cao hơn khiến nền kinh tế đang chậm lại ở Trung Quốc và châu Âu, và có khả năng ở Mỹ, “theo quan điểm của chúng tôi không hỗ trợ cho giá tăng mạnh”.
“Chúng tôi không tham gia phe dự báo giá 100 USD/thùng nhưng sẽ không loại trừ một khoảng thời gian tương đối ngắn mà Brent có thể giao dịch trên 90 USD”.
Nguồn tin: xangdau.net