Phiên họp diễn ra tại Vienna vào 15/3 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang đến gần mà tổ chức này vẫn chưa đưa ra được quyết định rõ ràng về việc cắt giảm sản lượng.
Quyết định có cắt giảm sản lượng nữa hay không đã trở thành một bài toán khó của OPEC và hiện tại họ vẫn chưa đạt được tiếng nói chung.
Ông Hussain al-Shahristani – Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho biết, giá dầu thế giới giảm mạnh là một sự bất công bằng đối với các nước sản xuất dầu mỏ, vì vậy ông đề nghị OPEC có thể thông qua quyết định cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu lên trên 70 USD/thùng.
Ông Shahristani cũng nhấn mạnh, OPEC hiện vẫn đang quan tâm đến hướng đi của giá dầu. Nếu giá dầu tiếp tục giảm xuống nữa, OPEC sẽ không do dự việc tiến hành cắt giảm sản lượng. Cũng theo ông này, giá dầu hợp lý là dao động ở mức 70 USD/thùng.
Các chuyên gia về dầu mỏ của Venezuela nhận định, trong phiên họp hôm 15/3 OPEC nên thông qua quyết định cắt giảm sản lượng, đó là điều cần thiết.
Một quan chức trong cơ quan năng lượng Kuwait nói, nếu trong phiên họp Bộ trưởng các nước xuất khẩu dầu mỏ sắp tới, OPEC đưa ra quyết định cắt giảm 1 triệu thùng,/ngày quý III năm nay giá dầu thế giới có thể tăng lên mức 50 USD/thùng.
Tuy nhiên, đài truyền hình Iran đã dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Iran - Kazem Vaziri Hamaneh cho rằng: "Tôi không cho rằng chúng ta nên cắt giảm sản lượng một lần nữa. Các bên liên quan nên áp dụng các biện pháp khác để có thể vực dậy thị trường giá dầu”.
Vài tuần trước đây, cùng với mức giá dầu giao động ở ngưỡng 40 USD/thùng, rất nhiều các chuyên gia nhận định, thời đại giá dầu rẻ từ mùa hè năm ngoái đã kết thúc. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, kinh tế thế giới đang có những chuyển biến xấu và tương lai gần vẫn chưa thể chuyển biến tốt hơn, điều này cũng có thể khiến giá dầu giảm mạnh nữa.
Theo kết quả điều tra mới nhất của Reuters đối với14 chuyên gia kinh tế, có 9 chuyên gia kinh tế cho rằng, OPEC nên bảo toàn mức sản lượng hiện tại; có 5 chuyên gia cho rằng OPEC nên cắt giảm sản lượng, và còn đưa ra dự đoán rằng mức cắt giảm sẽ là 710.000 thùng.
Theo ông Julian Lee - chuyên gia kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng thế giới cho rằng, khả năng OPEC cắt giảm sản lượng là khó thành, trừ khi giá dầu tiếp tục giảm sâu trong tuần này.
Ông Lawrence Eagles - Chuyên gia về thị trường dầu của JPMorgan Chase nhận định, các báo cáo có liên quan của Ả rập đều nhấn mạnh trong tuần này Ả rập vẫn duy trì mức sản lượng không đổi.
Cơ quan Sucden Research tại London chỉ rõ, mức cắt giảm sản lượng của OPEC cần phải lớn hơn so với mức dự báo của thị trường có vậy giá dầu mới đứng mức trên 50 USD/thùng.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của LCM Commondities - Edward L. Morse, 60 năm qua, mỗi khi khủng hoảng năng lượng nổ ra đều khiến cho mức tăng trong nhu cầu năng lượng toàn cầu của những năm tiếp theo giảm xuống, và khủng hoảng lần này không phải là một ngoại lệ. Cũng theo ông này, trước cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973, nhu cầu năng lượng toàn cầu vẫn tăng 8%/năm, nhưng cuối những năm 70 của thế kỷ 20, nhu cầu năng lượng lại giảm xuống mức 4%/năm. 10 năm sau khi Iraq xâm chiếm Kuwait, nhu cầu năng lượng toàn cầu vẫn duy trì ở mức tăng từ 1,5% đến 1,8%. Ông Morse dự tính, do nhu cầu năng lượng của Mỹ, Trung Quốc và khu vực Trung Đông tăng chậm, trong giai đoạn khôi phục tiếp theo, nhu cầu năng lượng toàn cầu có thể tăng lên mức 1%.
(Vitinfo)