Trên cơ sở tính toán, Việt Nam chỉ cần nhập khẩu 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO trong năm 2018 khi vận hành tối đa nhà máy lọc dầu Dung Quất và đưa vào hoạt động chính thức nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Tuy nhiên, cuộc đua trên thị trường xăng dầu sẽ không vì thế mà giảm đi sức nóng, bởi phạm vi cạnh tranh không chỉ nằm trong khối doanh nghiệp nội địa.
Trên cơ sở tính toán, Việt Nam chỉ cần nhập khẩu 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO trong năm 2018 khi vận hành tối đa nhà máy lọc dầu Dung Quất và đưa vào hoạt động chính thức nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Tuy nhiên, cuộc đua trên thị trường xăng dầu sẽ không vì thế mà giảm đi sức nóng, bởi phạm vi cạnh tranh không chỉ nằm trong khối doanh nghiệp nội địa.
Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ chỉ còn lại 43% vốn nhà nước sau cổ phần hóa. Ảnh: TTXVN.
Một trong những thông tin đáng chú ý trên thị trường xăng dầu là đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17-1-2018, sau nhiều lần dời kế hoạch. BSR là doanh nghiệp đang tiếp nhận, quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
“BSR đã làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và năm đối tác là các tập đoàn lớn muốn tham gia làm đối tác chiến lược. Trong đó, có hai doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hóa dầu định mua tối đa cổ phần cho phép (49%) khi BSR bán ra là World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi)”, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR nói với TBKTSG Online cuối tuần trước.
Trên thực tế, việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của BSR đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong một thời gian dài. Sau khi Chính phủ cho phép giảm tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại BSR xuống còn 43% vốn điều lệ (thông qua việc bán ra 49% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư chiến lược, bao gồm cả nhà đầu tư ngoại), doanh nghiệp đã bán đấu giá công khai 8% tổng số cổ phần và bán ưu đãi 0,21% cổ phần cho nhân viên. Đợt IPO sắp tới được xem là đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, khi mà giá trị vốn hóa doanh nghiệp, tính theo giá bán khởi điểm, vào khoảng 3,2 tỉ đô la Mỹ.
Dù ngành dầu khí mấy năm gần đây chật vật do giá dầu thế giới lao dốc nhưng những dự báo của OPEC cho năm 2018 sẽ mang lại tác động tích cực cho các công ty sản xuất và phân phối xăng dầu. Trong phiên giao dịch hôm 12-12, giá dầu Brent trên thị trường Luân Đôn có lúc vượt 65 đô la/thùng, cao hơn mức kế hoạch trước đó là 50 đô la/thùng. Ở thị trường trong nước, việc bãi bỏ thu thuế điều tiết sản phẩm xăng dầu cũng đang góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của BSR. Dự kiến, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) của BSR trong năm 2017 này là 10,56%, cao hơn khá nhiều so với con số 7,49% của năm ngoái.
Theo tính toán của Viện Dầu khí Việt Nam, trong 5 năm tới, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước (2018-2022) trung bình khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO mỗi năm. Trên cơ sở nguồn cung từ hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn cùng các nhà máy condensate của PV Oil Phú Mỹ, Saigon Petro, Nam Việt Oil thì trong năm 2018 sẽ có khoảng 6 triệu tấn xăng và gần 7 triệu tấn dầu DO được đưa ra thị trường. Như vậy, sự thiếu hụt chỉ vào khoảng 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu xăng dầu lại theo cơ chế thị trường và sự cạnh tranh về giá cả. Như vậy, việc các đối tác nước ngoài tham gia vào các doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam cũng như việc các doanh nghiệp trong nước đang cạnh tranh bình đẳng trong một thị trường có nguồn cung dồi dào sẽ khiến hoạt động kinh doanh xăng dầu phát triển theo hướng có lợi cho người tiêu dùng hơn nữa.
Nguồn tin: vietnambiz.vn