Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ ngày 1-7-2005 đến nay, hầu như chưa có vụ việc nào đáng kể được đưa ra ánh sáng công luận. Suy cho cùng, Luật Cạnh tranh ra đời là để bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Vậy mà luật gần như “vắng mặt” trước hàng loạt sự kiện đang gây bức bối dư luận như giá xăng dầu, giá điện, giá sắt thép, giá vốn (lãi suất ngân hàng). Có thể nói, có luật nhưng chưa… cạnh tranh.
Làm sao có thể giải thích hiện tượng thị trường có tới 11 đầu mối kinh doanh xăng dầu với bộ máy nhập khẩu, chi phí, quy mô khác nhau nhưng đều “đồng tâm” giảm giá giống hệt nhau? Sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là thỏa thuận “ngầm” giữa các đại gia? Nếu đúng thế thì hành vi này rõ ràng là đã vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm.
Theo đó, nếu chứng minh có việc thỏa thuận và các bên tham gia thỏa thuận ấn định giá cả hàng hóa chiếm thị phần kết hợp trên 30% là đã đủ yếu tố để xử lý vi phạm. Trong khi những câu hỏi về giá xăng dầu giảm… từng giọt chưa có ai đứng ra trả lời, thì lại “đẻ” ra vụ việc dính dáng đến giá thép.
Trong một cuộc họp mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam, các thành viên đã thống nhất giữ giá thép ở mức 13,5-14 triệu đồng/tấn với cái lý “không để cho thị trường tụt dốc” nhằm… giải cứu các nhà sản xuất trong nước đang hoạt động cầm chừng vì nguồn cung dư thừa, không tiêu thụ nổi. Thỏa thuận này có thể giúp một số doanh nghiệp, thậm chí cả ngành thép vượt qua cơn “hoạn nạn”, nhưng bản chất hành vi đó là triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường.
Do vậy quyền được mua hàng hóa giá rẻ, chất lượng cao của đại bộ phận người tiêu dùng đã bị xâm hại. Hiện tượng liên kết, thỏa thuận cản trở cạnh tranh ở nước ta đang ở mức báo động và trở nên phổ biến mặc dù được che đậy tinh vi dưới hình thức này hay chiêu thức khác.
Cách đây chưa lâu, việc Hiệp hội ngân sách thỏa thuận ấn định lãi suất trần tiền gửi tiết kiệm là một trong những bằng chứng nóng hổi. Soi vào Luật Cạnh tranh, người tiêu dùng không thể bỏ qua hành vi áp đặt giá bán xăng dầu, điện, phân bón, sắt thép… bất hợp lý của một số doanh nghiệp Nhà nước độc quyền hoặc giữ vị trí thống trị thị trường.
Cục Quản lý cạnh tranh, được coi là “tấm lá chắn” bảo vệ người tiêu dùng, có vẻ như “bất động”. Theo một quan chức của Cục là do nhân lực quá yếu và quá thiếu. Cả Cục có 50 cán bộ thì Ban điều tra vụ việc chỉ có 4 người. Song, cái khó lớn nhất chính là một số chính sách, pháp luật thiếu sự tương thích, khiến cho luật chưa thể phát huy tính “cạnh tranh” như tên gọi của nó.
(An Ninh Thủ Đô)