Theo báo New York Times (NYT) Nga dùng dầu thô làm một công cụ địa-chính trị để thách đố quyền lợi của Mỹ và để mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Nhưng canh bạc dầu thô này cũng khiến Nga chịu nguy cơ nợ xấu ở Venezuela.
Tổng thống Nga Putin tiếp Tổng thống Maduro-Ảnh: New York Times
Thông qua tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft (chính phủ Nga sở hữu 50% cổ phần) Điện Kremlin đang cố gắng tạo ảnh hưởng ở nhiều nước mà Mỹ bị mất hoặc bị giảm tầm ảnh hưởng.
Nỗ lực này cũng cần thiết, vì sau vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Mỹ và châu Âu áp những lệnh cấm vận, trừng phạt kinh tế Nga, buộc Rosneft phải tìm những đối tác mới và đầu tư vào các nơi khác.
Tập đoàn này có lãnh đạo là ông Igor Sechin, cựu phó thủ tướng Nga và là một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo NYT ngày 29.10. Ông Sechin cũng có tên trong danh sách bị Mỹ cấm vận.
Từ đó, các công ty dầu mỏ phương tây và Exxon Mobil (Mỹ) bị cấm không được sử dụng tri thức công nghệ để giúp Rosneft khai thác các giếng dầu khí nước sâu và đá phiến ở Bắc Cực.
Rosneft là tập đoàn mà Moscow dựa cậy để có tiền thực hiện những chương trình xã hội trong nước, đã tìm đến Cuba, Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam, cùng những vùng bất ổn mà quyền lợi Mỹ bị đe dọa, theo NYT.
Rosneft cũng tìm đến Trung Đông, nơi mà Nga tìm các cách hỗ trợ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, làm bạn với Iran và gây chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương tây.
Rosneft đang tìm kiếm tầm ảnh hưởng chính trị-kinh tế ở miền bắc Iraq cho Điện Kremlin, bằng cách thực hiện những thỏa thuận dầu thô-khí tự nhiên ở vùng tự trị Kurd, tiếp sau cuộc trưng cầu dân ý để người Kurd độc lập khỏi chính quyền Iraq, điều mà Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại sẽ càng khiến khu vực này thêm bất ổn.
Nga cũng phản đối người Kurd độc lập khỏi Iraq. Nhưng không cản Rosneft ký một thỏa thuận trị giá 400 triệu với chính quyền tự trị Kurdistan để có quyền khai thác các mỏ dầu.
Năm 2016, Nga đã đầu tư hơn 4 tỉ USD vào các mỏ dầu ở Kurdistan. Và Rosneft trở nên người mua dầu Kurd lớn nhất, sau khi các công ty dầu phương tây giảm đầu tư.
Rosneft cũng muốn kiểm soát các mỏ dầu Iran (sắp bán đấu giá) vào lúc gia tăng căng thẳng giữa Tehran với Washington, trong khi ông Putin cũng muốn có nguồn năng lượng và các thỏa thuận khác với Ả rập Saudi, kình địch của Iran.
Một mỏ dầu của Rosneft ở Siberia
Điện Kremlin và Rosneft đặt cược lớn vào Venezuela...
Cho đến nay, “món cược” lớn nhất của Rosneft là Venezuela vốn là nguồn dầu thô lớn thứ nhì của Rosneft, sau Nga. Rosneft bán lại 225.000 thùng dầu Venezuela/ngày, tương đương 13 % nguồn xuất khẩu của Venezuela.
Nga và Rosneft đã cho Caracas vay 10 tỉ USD, giúp chính phủ Venezuela thoát cảnh không trả nợ ít nhất 2 lần, dưới gánh nặng nợ 150 tỉ USD.
Như vậy, Nga chiếm chỗ của Trung Quốc, trở thành “nhà tài trợ chính” cho Venezuela. Khi cố Tổng thống Hugo Chavez nắm quyền lực, Bắc Kinh từng cho Caracas vay hàng chục tỉ USD, để Venezuela thực hiện những dự án và trả nợ vay bằng dầu thô. Nhưng rồi Trung Quốc lặng lẽ ngưng cho vay mới, và Nga lấp chỗ trống này.
Trong chuyến thăm Moscow tháng 10, Tổng thống Maduro luôn tươi cười, tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính mới và ông cảm ơn Tổng thống Nga Vladimir Putin “đã luôn ủng hộ về chính trị và ngoại giao”.
Logo Rosneft ở một trạm xăng tại thành phố Stavropol (Nga)
Đổi lại, Moscow có được một lợi thế chiến lược ở “sân sau” của Mỹ. Năm ngoái, Rosneft mua 49,9 % cổ phần của Citgo, một nhánh lọc dầu ở Mỹ của Petroleos de Venezuela (tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela, PDVSA) sau khi cho tập đoàn này vay 1,5 tỉ USD để PDVSA thanh toán mọi chi phí duy trì hoạt động sản xuất ở các mỏ dầu.
Thương vụ này khiến một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ chỉ trích, cảnh báo khả năng Nga nắm Citgo sẽ đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Citgo thực hiện lọc khoảng 4 % dầu Mỹ và có một mạng lưới trạm xăng và ống dẫn dầu.
Venezuela cũng lệ thuộc mạnh vào thị trường Mỹ, từ khi chỉ có vài nhà máy lọc dầu ngoài nước Mỹ có thể xử lý khối lượng lớn dầu thô chất lượng thấp của Venezuela.
Hồi tháng 4, Rosneft dấn sâu hơn, tạm ứng 1 tỉ USD để mua dầu thô do PDVSA sản xuất. Đây là một khoản giúp đỡ cần thiết để PDVSA trả gần 3 tỉ USD cho những người mua cổ phiếu.
Đổi lại, sẽ sớm có thêm nguồn dầu Venezuela chảy đến Nga. Rosneft đang thương lượng với PDVSA bán cổ phần ở Citgo để mua cổ phần ở các mỏ dầu Venezuela, nhằm để Nga có thêm nguồn dự trữ và cũng để tránh bất kỳ sự trừng phạt nào hoặc những vấn đề pháp lý với Mỹ.
Nhà chiến lược Helima Croft của công ty RBC CapitalMarkets nói: “Chắc chắn có yếu tố địa-chính trị trong những vụ mua bán này. Roneft mua được mỏ dầu Venezuela giá rẻ, và phát triển tầm ảnh hưởng của Vladimir Putin ở sân sau của Mỹ”.
...Nhưng Nga và Rosneft có nguy cơ vướng nợ xấu
Nhưng quả đầu tư của Nga không phải không có rủi ro. Các mỏ dầu Venezuela đã cũ và xuống cấp. Các công ty dịch vụ dầu khí đã rút lui sau nhiều năm bị “trả tiền góp” cho công sức của họ.
Thêm vào đó, Mỹ vừa trừng phạt Venezuela, chủ yếu là cấm cho PDVSA vay dài hạn hoặc đầu tư vào những khoản vay mới của chính phủ Tổng thống Maduro, khiến chuyện eo hẹp tài chính của Venezuela càng thêm eo hẹp.
Theo NYT, Moscow có nguy cơ gặp rắc rối vì cho vay tiền và đạt những thỏa thuận khi chính trị lung lay, kinh tế hỗn loạn ở Venezuela.
Chiến lược của Nga đối mặt một thử nghiệm cốt tử ở Venezuela trong tuần này, khi Moscow phải cứu đồng minh bằng cách cho vay 1,2 tỉ USD để Venezuela không bị ngập sâu trong nợ.
Chính phủ Venezuela nói còn hơn 9 tỉ USD trong kho dự trữ ngoại tệ, chủ yếu là vàng vốn cần phải bán ra nước ngoài để lấy tiền mặt, và sẽ tốn nhiều thời gian để chuyển khoản.
Nguồn tiền Nga cho vay có thể tạo sự khác biệt giữa sự tồn tại với sự sụp đổ của chính phủ Tổng thống Maduro. Nhưng nếu Venezuela hết khả năng trả nợ, và chính phủ Maduro sụp đổ, Nga và Rosneft sẽ “ôm” quả nợ xấu nếu chính phủ mới ở Venezuela không muốn trả nợ.
Siobhan Morden, người phụ trách mảng chiến lược thu nhập cố định ở khu vực Mỹ latinh của Tập đoàn Nomura Holdings, nói: “Liệu Nga sẽ tiếp tục cho Venezuela vay? Đó vẫn là câu hỏi. Tôi không biết câu trả lời”.
Francisco J. Monaldi, nhà phân tích chính sách năng lượng ở đại học Rice, nói: “Nga là nước duy nhất có thể truyền hơi thở cho Venezuela tồn tại đến hết năm nay. Trung Quốc có khả năng này nhưng không sẵn lòng giúp, và đó là lý do Venezuela rất cần sự hỗ trợ của Nga. Không còn cách nào khác”.
Nguồn tin: Motthegioi.vn