Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang: Khí đốt châu Âu tăng 14%, giá dầu tiến sát 100 USD/thùng

Khủng hoảng biên giới Nga-Ukraine đã đẩy giá khí đốt và giá dầu tăng vọt trong 24 giờ qua, đe dọa triển vọng tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát toàn cầu.

Giá khí đốt tự nhiên trong các hợp đồng kỳ hạn tháng 3 được giao dịch tại TTF, điểm giao dịch khí đốt tự nhiên có trụ sở tại Hà Lan, đóng cửa vào tuần trước ở mức khoảng 77 euro (87,16 USD)/MWh đã tăng 14% vào hôm nay (14/2) lên 88 euro (99,62 USD)/MWh.

Mức giá này đánh dấu một sự gia tăng đáng kể so với thời điểm này năm ngoái khi giá các hợp đồng khí đốt tự nhiên ở châu Âu chỉ vào khoảng 18 euro (20,38 USD).

Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (OIES), năm 2021, Nga cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt nhập khẩu vào châu Âu (gồm Anh và 27 quốc gia EU), với khoảng 31% là khí đốt qua đường ống và 4% là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đang tăng mạnh trước nguy cơ Nga khoá van khí đốt vào mùa đông do căng thẳng gia tăng ở biên giới Nga-Ukraine.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 13/2 cho biết giá nhiên liệu xanh đã tăng cao tại thị trường châu Âu là do các quốc gia lục địa già đã bỏ qua việc ký các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn. Trong thời gian tới, châu Âu có thể tiếp tục phải mua khí đốt với giá cao do chưa có giải pháp thay thế khí đốt của Nga.

Không chỉ giá khí đốt, giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) và Brent cũng tăng vọt lên lần lượt 94 USD và 95 USD một thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 giá dầu thô thế giới tiến sát 100 USD một thùng, cao nhất kể từ tháng 9/2014.

Trước đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi chung là OPEC+) đã quyết định tăng nguồn cung cho thị trường thêm 400.000 thùng dầu mỗi ngày trong tháng 3.

Tuy nhiên, một số quốc gia sản xuất dầu mỏ sẽ gặp khó khăn để khôi phục mức sản xuất trước đó.

Theo nghiên cứu của Bloomberg Economics, nếu giá dầu tăng lên 100 USD cuối tháng này sẽ kéo lạm phát tại Mỹ và châu Âu lên 0,5% nửa cuối năm nay. Còn nếu tăng lên 150 USD, JPMorgan Chase cảnh báo đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu sẽ bị chặn đứng, lạm phát tăng vọt lên hơn 7%, gấp 3 lần so với mục tiêu của các nhà chức trách.

Loạt động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga điều động hơn 100.000 quân cùng nhiều khí tài quân sự áp sát biên giới Ukraine nhằm lên kế hoạch tấn công nước này.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 13/2 cho biết Nga có thể tạo cớ bất ngờ để tấn công Ukraine bất cứ lúc nào.

Những phát biểu từ các quan chức Mỹ về khả năng Nga tấn công Ukraine đã khiến các thị trường tài chính biến động.

Ở động thái liên quan mới nhất, Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc nhóm G7 cho biết nhóm này sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga trong trường hợp nước này tấn công Ukraina, điều này sẽ kéo theo "những hậu quả tức thì và quy mô lớn" đối với nền kinh tế Nga.

Nguồn tin: Vietnam Finance

ĐỌC THÊM