Quyết định chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt của Washington với các nước nhập khẩu dầu mỏ của Iran khiến các nước nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu châu Á lo lắng.
Ngày 28/7/2019, Thứ trưởng Ngoại giao Iran, Abbas Araqchi cho rằng cuộc họp khẩn với đại diện các nước thành viên còn lại của Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran) "mang tính xây dựng".
Tuy nhiên, ông Araqchi khẳng định Tehran sẽ tiếp tục giảm bớt các cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân cho tới khi nào lợi ích của nước này được bảo đảm.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran, Abbas Araqchi tại cuộc họp khẩn với các nước tham gia JCPOA ngày 28/7/2019 (Ảnh: AP).
Căng thẳng Mỹ-Iran trong thời gian qua đang khiến cộng đồng quốc tế rất lo ngại và đề nghị các bên liên quan kiềm chế, tránh để căng thẳng leo thang.
Bài viết sẽ tập trung phân tích về khó khăn đối với nguồn nhập khẩu dầu mỏ của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quyết định của Washington ngày 22/4/2019 chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với các nước nhập khẩu dầu mỏ của Iran như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã khiến các nước nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu châu Á lo lắng.
Chừng nào các lệnh miễn trừ còn hiệu lực, việc Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt sẽ làm gia tăng ảnh hưởng đòn bẩy trong đàm phán cho các công ty và thương nhân châu Á khi các nhà nhập khẩu khác không được miễn trừ trừng phạt buộc phải từ chối nhập khẩu dầu mỏ, khiến giá dầu giảm.
Khi có trong tay các lệnh miễn trừ trừng phạt, các nước lớn ở châu Á cũng có thời gian để điều chỉnh nhưng thời gian ân hạn đó đã kết thúc vào tháng 5/2019.
Xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ của Iran đạt 2,87 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2018, ngay trước khi Mỹ rút khỏi JCPOA.
Xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ giảm xuống còn 1,9 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2018 khi các nhà nhập khẩu dầu buộc phải giảm dần lượng mua của mình.
Cho đến nửa đầu tháng 4/2019, dữ liệu cho thấy lượng dầu vận chuyển hàng ngày bằng đường biển đã giảm xuống còn dưới 1 triệu thùng/ngày, dù Iran đã sử dụng dầu dự trữ để duy trì mức xuất khẩu bất chấp sản lượng ngày càng sụt giảm.
Do sản lượng dầu sụt giảm trong 01 năm từ trước khi Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt, thị trường đã có một khoảng thời gian nhất định để điều chỉnh.
Các đối thủ trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Saudi Arabia và Iraq bắt đầu tiến tới chiếm lĩnh thị phần của Iran ở châu Âu bằng cách cung cấp thêm dầu hỗn hợp của họ với số lượng tương đương.
Hơn nữa, Nga tăng cường xuất khẩu dầu sang Trung Quốc đến mức kỷ lục 1,73 triệu thùng/ngày, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Việc các nước nhập khẩu dầu ở châu Á có thêm thời gian để giảm lượng dầu mua từ Iran, trong khi châu Âu tìm thấy những sự thay thế thích hợp cho lượng dầu thô hỗn hợp cần thiết từ các nhà sản xuất khác trong OPEC, đã hạn chế tác động đối với giá dầu.
Trong khi dầu mỏ của Iran biến mất khỏi thị trường, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục tăng.
Sản lượng dầu mỏ của Mỹ trong tháng 5/2019 đạt mức 10.46 triệu thùng/ngày, hiện ở mức khoảng 12,1 đến 12,2 triệu thùng/ngày.
Châu Âu tiêu thụ hàng trăm thùng dầu xuất khẩu của Mỹ hàng ngày và Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh đình chỉ mua dầu thô của Mỹ cuối tháng 4/2019, đề nghị mua thêm vài trăm nghìn thùng dầu.
Ở khu vực châu Á, 4/5 nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu của dầu mỏ toàn cầu trong 2 thập kỷ qua và bất kỳ biến động nào về nhu cầu dầu mỏ từ các thị trường hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ đều có tác động rất lớn đến những dự báo về nhu cầu dầu mỏ.
Nhập khẩu dầu của Trung Quốc đạt mức đỉnh điểm là 10,64 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2019 khi các công ty tiến tới dự trữ nguồn cung.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đều vội vàng làm vậy đối với dầu thô Iran, mua thêm dầu trước khi các biện pháp trừng phạt chính thức có hiệu lực.
Căng thẳng Mỹ-Iran khiến thị trường dầu mỏ thế giới trở nên bi quan (Ảnh: Reuters)
Bất chấp sự gia tăng trong ngắn hạn, tâm lý thị trường đang trở nên bi quan. Cơ quan năng lượng quốc tế đã sửa lại dự báo mức tăng nhu cầu dầu mỏ hàng năm, từ 1,6 triệu thùng/ngày xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày.
Dự báo mức tăng nhu cầu dầu mỏ của OPEC giảm còn 1,12 triệu thùng/ngày và có khả năng còn giảm nữa.
Mức tăng nhu cầu dầu mỏ do các nền kinh tế xuất khẩu ở châu Á-Thái Bình Dương chi phối đang giảm xuống gần bằng 0 trong thời gian còn lại của năm 2019.
Những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và một môi trường thương mại đang thay đổi bắt đầu làm giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ và đe dọa đẩy các nước xuất khẩu chủ chốt vào tình trạng suy thoái.
Tháng 5/2019, kim ngạch xuất khẩu ngoài dầu mỏ của Singapore giảm 15,9%, doanh thu nước ngoài của Hàn Quốc giảm 9,4% sau khi thương mại suy giảm 6 tháng liên tiếp và kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Những số liệu tồi tệ là mẫu số chung của các nước bên ngoài Trung Quốc.
Tóm lại, hoạt động kinh tế ở khu vực dẫn đầu thế giới về mức tăng nhu cầu dầu mỏ đang suy giảm, làm giảm tác động của những biến động giá dầu vốn do nhận thức về các rủi ro an ninh ở eo biển Hormuz gây ra.
Khối lượng giao dịch toàn cầu đã giảm trong 2 quý vừa qua và có vẻ sẽ còn giảm nữa trong tương lai.
Nguồn tin: giaoduc.net.vn