Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Canada có thể thúc đẩy sản lượng dầu trong khi giảm phát thải?

 

Canada gần đây đã tăng cường cam kết về khí hậu thông qua việc công bố mục tiêu trung hạn đầy tham vọng hơn cho năm 2030 trên con đường đạt mức phát thải net-zero (sự cân bằng giữa lượng khí nhà kính phát sinh ra và lượng khí đào thải được ra khỏi khí quyển) vào năm 2050. Tuy nhiên, chính phủ liên bang dự kiến ​​sản lượng dầu thô sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh chỉ một thập kỷ trước năm 2050.

Sự khác biệt rõ ràng này báo hiệu rằng ngành dầu khí, tỉnh Alberta và chính phủ liên bang nên thúc đẩy hợp tác, tăng cường đầu tư và cam kết trong việc giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là từ sản xuất cát dầu, vốn thải nhiều khí carbon hơn hầu hết cách khai thác các loại dầu thô khác.

Các tổ chức môi trường đang kêu gọi giảm sản lượng cát dầu như là cách dễ nhất để cắt giảm lượng khí thải và chỉ trích các cam kết gần đây của chính phủ liên bang về khí hậu là không đủ tham vọng.

Về phần mình, ngành công nghiệp dầu khí đang tìm cách cắt giảm lượng khí thải để thay đổi hình ảnh của cát dầu, loại có lượng khí thải cao đã khiến các công ty khai thác dầu mỏ thoái vốn tại Canada ngay sau đợt giảm giá dầu trước đó vào năm 2015-2016.

Năm ngoái, hãng Total của Pháp đã ghi nhận giảm vốn đầu tư 8,1 tỷ đô la Mỹ — trong đó 7 tỷ đô la Mỹ vào cát dầu của Canada — khi hãng này hạ kỳ vọng về giá trong ngắn hạn. Total xác định hai dự án cát dầu của Canada gồm Fort Hills và Surmont là tài sản bị "mắc kẹt" dựa trên các cam kết về tính trung lập của carbon.

Trên thực tế, dầu khí vẫn là một ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế của Canada, đặc biệt là ở tỉnh sản xuất dầu lớn nhất là Alberta. Bất chấp việc sa thải trong thời kỳ giá dầu lao dốc năm 2020 và nhu cầu suy giảm, lĩnh vực này vẫn hỗ trợ hàng trăm nghìn việc làm trực tiếp. Việc chuyển đổi sang năng lượng các-bon thấp cũng phải đi kèm với kế hoạch thay thế hoặc đào tạo lại người lao động để đảm bảo rằng tham vọng về khí hậu không dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

Năm ngoái, chính phủ liên bang Canada đã sẵn sàng giúp đỡ ngành công nghiệp này, mà chính phủ coi là rất quan trọng đối với nền kinh tế và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Sản lượng dầu thô của Canada dự kiến ​​sẽ tăng từ 4,9 triệu thùng/ngày vào năm 2019 lên 5,8 triệu thùng/ngày vào năm 2039, khi sản lượng dầu thô dự kiến ​​đạt đỉnh, theo ước tính từ Cơ quan Quản lý Năng lượng Canada. Dự báo này nằm trong cái gọi là Kịch bản đang phát triển, với giả định hành động ngày càng tăng đối với khí hậu và phát triển công nghệ các-bon thấp. Theo ước tính, nhiên liệu hóa thạch sẽ vẫn chiếm hơn 60% nhiên liệu của Canada vào năm 2050.

Cơ quan Quản lý Năng lượng Canada cho biết: “Để đạt được mức phát thải net-zero vào năm 2050 sẽ đòi hỏi một tốc độ chuyển đổi nhanh hơn ra khỏi nhiên liệu hóa thạch”.

Canada tăng cường cam kết hành động vì khí hậu

Tháng trước, Thủ tướng Justin Trudeau thông báo rằng Canada sẽ tăng cường mục tiêu giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris và hiện đặt mục tiêu cắt giảm 40-45% lượng khí thải đó xuống dưới mức năm 2005 vào năm 2030. Nước này cũng nỗ lực cam kết đạt được phát thải net-zero vào năm 2050.

Kế hoạch này đã bị các nhà môi trường chỉ trích không chỉ vì không đạt được mục tiêu khí hậu mới của Mỹ là giảm tới 52% lượng khí thải carbon vào năm 2030, mà còn vì nó không phù hợp với kỳ vọng rằng ngành công nghiệp cát dầu sẽ tăng trưởng trong gần hai thập kỷ tới.

Anthony Swift, Giám đốc Dự án Canada Hội đồng Quốc phòng Tài nguyên cho biết: “Chính phủ Trudeau đã không hiểu rõ thực tế rằng ngành công nghiệp cát dầu đang mở rộng về cơ bản không tương thích với cả nguyện vọng của Canada về vị trí lãnh đạo khí hậu hay nền kinh tế toàn cầu chuyển đổi sang các dạng năng lượng sạch”.

Trong khi tăng cường các mục tiêu giảm phát thải, chính phủ Canada dự báo “một ngành công nghiệp cát dầu mở rộng nhanh chóng sẽ xuất khẩu vào thị trường toàn cầu dầu về cơ bản là không phù hợp với các hành động quốc tế có ý nghĩa về khí hậu,” Swift nói.

Công nghiệp năng lượng tìm cách để cắt giảm phát thải, sản xuất hydro

Ngành công nghiệp năng lượng, cũng như chính phủ của Alberta, nhận ra sự cần thiết phải giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nếu cát dầu có cơ hội vẫn có “giấy phép hoạt động” trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Theo dữ liệu của chính phủ, cát dầu chiếm 12% tổng lượng khí thải nhà kính của Canada và 0,2% lượng khí thải toàn cầu. Chính phủ liên bang cho biết từ năm 2000 đến năm 2018, cường độ phát thải của các hoạt động cát dầu giảm khoảng 36% do cải tiến công nghệ và hiệu quả, ít phát thải hơn và giảm tỷ lệ bitum thô được nâng cấp thành dầu thô tổng hợp.

“Nếu chúng ta muốn cát dầu có thể tiếp tục tăng sản lượng, chúng ta cần giảm lượng khí thải xuống,” Bộ trưởng năng lượng của Alberta, Sonya Sava cho biết tại một hội nghị vào tháng trước, theo Financial Times.

Alberta đang đặt cược vào các nỗ lực giảm phát thải và vị thế của mình như là một nhà sản xuất dầu lớn không gắn liền với các chính sách ấn định giá của OPEC + với tư cách là một nhà sản xuất dầu thô có trách nhiệm hơn so với các nước như Saudi, Iraq hoặc Nga.

Alberta cũng tìm cách phát triển thêm các dự án thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) để giảm thiểu lượng khí thải, cũng như hydro “xanh” từ các nguồn khí thiên nhiên rộng lớn sử dụng công nghệ CCUS.

Alberta “có vị trí tốt để trở thành nhà lãnh đạo thế giới về phát triển hydro và đã là một trong CCUS,” Savage cho biết vào tháng trước.

Savage nói với FT: “Không phải lúc nào chúng tôi cũng có cùng quan điểm với chính phủ liên bang về năng lượng. Nhưng với hydro thì chúng tôi có tiếng nói chung."

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM