Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cần truy tố đối với các hành vi “ăn cắp”, gian lận kinh doanh xăng dầu

Có đến 643 cơ sở vi phạm về đo lường, chất lượng, chiếm 17,9% trên tổng số gần 4.000 cơ sở kinh doanh xăng dầu được kiểm tra trên toàn quốc với số tiền gian lận lên đến hàng tỷ đồng.

CôngThương - Đó là những con số được đưa ra tại Hội nghị tổng kết thanh tra về đo lường, chất lượng xăng dầu năm 2008 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
 
Ảnh minh họa
1001 cách “móc túi” người tiêu dùng
 
Qua kiểm tra, Thanh tra Bộ KH&CN đã phát hiện nhiều hành vi ăn cắp xăng dầu một cách tinh vi như: lắp chíp điện tử làm thay đổi tình trạng kỹ thuật của phương tiện đo với 57 cơ sở (chiếm 7,1% tổng số cơ sở vi phạm), 189 cơ sở bị phát hiện sai số phương tiện đo (chiếm 23,7%), 118 cơ sở vi phạm thời hạn kiểm định phương tiện đo, 160 cơ sở sai phạm về phép đo, 140 lượt cơ sở vi phạm về chất lượng xăng dầu…
 
Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, các hình thức và hành vi vi phạm ngày càng đa dạng và khó phát hiện hơn. Đặc biệt, trong các hình thức gian lận, khó phát hiện và xử lý nhất là việc lắp đặt thêm thiết bị điều chỉnh sai số của phương tiện đo nhằm móc túi người tiêu dùng. Tình trạng này được phát hiện và xử lý tại Gia Lai với 7 cơ sở gắn thêm bảng mạch điện tử (có trường hợp sai số lên đến 9,3%), Nghệ An phát hiện 9 cơ sở. Tại Đắc Lắc, đoàn thanh tra liên ngành cũng phát hiện 2 cửa hàng gắn thêm IC với mã số bí mật được cài đặt có thể điều khiển qua bàn phím cột bơm hoặc bằng cách đóng ngắt công tắc điện gây sai số tới 5,6%...
 
Ông Dũng cho biết thêm: cá biệt có một số cửa hàng ăn cắp tinh vi đến mức tất cả các biện pháp của đoàn kiểm tra đều không tìm ra nguyên nhân! Tại Lạng Sơn, mặc dù đoàn kiểm tra phát hiện thấy một cửa hàng kinh doanh xăng dầu có sai số lên đến 18% nhưng không thể tìm ra thiết bị điều khiển chíp điện tử giấu ở đâu. Đoàn thanh tra chỉ tiến hành xử phạt cơ sở vi phạm về sai số phương tiện đo.
 
Cùng nhận định này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chánh Thanh tra Sở KH&CN Nghệ An, thông tin thêm: ngoài các hình thức vi phạm như tháo kẹp chì niêm phong phương tiện đo để điều chỉnh sai số, thay đổi IC… các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu còn lắp thêm mạch điện tử điều khiển được giấu kỹ dưới đống quần áo cũ trong buồng khóa kín, hoặc nấp dưới gạch lát nền… Có cơ sở còn dùng kìm để kẹp lại chì và qua mặt đoàn thanh tra bằng cách đổ cho lý do “chập điện” hoặc “do người làm vô ý làm đứt”…
 
Mức xử phạt cao nhất 20 triệu đồng- vẫn còn quá nhẹ!
 
Tổng số tiền đoàn thanh tra liên ngành đã xử phạt đối với 643 cơ sở vi phạm về đo lường, chất lượng xăng dầu là 3,81 tỷ đồng, trong đó có 33 cơ sở bị rút giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, việc xử phạt vi phạm hành chính trong đo lường theo Nghị định 126/2006 cao nhất chỉ ở mức 20 triệu đồng là quá nhẹ so với số tiền người tiêu dùng bị móc túi. Điều này khiến các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu “nhờn” với các biện pháp xử phạt. Ông Nguyễn Xuân Đỉnh, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hưng Yên cho hay: tại Hưng Yên, có 2 cơ sở kinh doanh xăng dầu là Cao Tương (huyện Mỹ Hào) và Đức Thuấn (huyện Ân Thi) lần nào kiểm tra cũng phát hiện sai phạm. Đặc biệt, tại cơ sở Cao Tương, đoàn thanh tra liên ngành phát hiện có phương tiện đo sai số đến 7%. Tuy nhiên, chiểu theo đúng những quy định của luật, đoàn thanh tra cũng chỉ xử phạt cơ sở này ở mức cao nhất là 20 triệu đồng.
 
Nếu so với năm 2003, tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu có giảm từ 28,3% xuống cón 17,9% (năm 2008) thì hình thức vi phạm tinh vi và phức tạp lại tăng lên rất nhiều. Năm 2003, số lượng cơ sở bị phát hiện lắp mạch điện tử chỉ chiếm 0,5% thì năm 2008, con số này đã tăng lên 7,15%. Thậm chí, để đối phó với việc bị rút giấy phép kinh doanh, các chủ cơ sở vi phạm còn chuyển đổi chủ sở hữu để tiến hành lập hồ sơ xin giấy phép kinh doanh cho chính cây xăng vi phạm.
 
Để khắc phục tình trạng này, ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng, bên cạnh việc tăng mức hình phạt đối với các hành vi vi phạm cũng cần lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở tái phạm nhiều lần hoặc có hành vi vi phạm một cách nghiêm trọng, gây sai số lớn. “Chỉ cần một vài vụ được xử lý nghiêm, sẽ có tác dụng răn đe rất lớn”- ông Thắng nhấn mạnh.
 
Về tình trạng gian lận chất lượng xăng dầu, có ý kiến cho biết: mỗi năm Nhà máy khí hóa lỏng Dinh Cố sản xuất khoảng 1 triệu m3 xăng A83. Tuy nhiên, trong số 12.000 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc hầu hết không còn bán loại xăng này, vậy số lượng lớn xăng A83 đi đâu? Chắc chắn một phần không nhỏ trong số này được các trộn vào xăng A90, A92, A95 để trục lợi về giá” .
 
Cũng theo ông Hồ Tất Thắng, cần tính đến biện pháp truy thu nguồn thu bất chính của các cơ sở vi phạm. Có thể tính từ ngày kiểm tra gần nhất và số lượng xăng dầu nhập vào, bán ra hàng tháng để buộc các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu bồi hoàn cho người tiêu dùng (nếu có hóa đơn, chứng từ). Bên cạnh đó, đề nghị chấm dứt lưu hành xăng A83, vì đây chính là nguồn xăng để các chủ cơ sở kinh doanh dễ trục lợi bằng hành vi trộn lẫn với các loại xăng A90, A92, A95 .
 
(Báo điện tử công thương)

ĐỌC THÊM