Tại các nước như Thái Lan, Brazil đã sử dụng đến xăng E20 - E30. Theo các cataloge của các hãng ô tô nổi tiếng như Ford, Chevorlet, v.v… phần nhiên liệu luôn được ghi chú có thể dùng loại xăng từ E30 trở lên. Và tại Mỹ, loại xăng E85 đang được xem là nguồn nhiên liệu của tương lai. Vậy tại sao mới chỉ có xăng E5, người dân Việt Nam lại tự làm khó mình với suy nghĩ xăng sinh học gây hại cho động cơ?
Xăng E5 chưa từng là nguyên nhân cháy xe
Chỉ vài năm gần đây, nhiều vụ phương tiện giao thông bổng dưng bốc cháy đã xảy ra, khiến không ít người đặt câu hỏi phải chăng xăng không nguyên chất đã dẫn đến tình trạng trên? Và những suy diễn tiếp theo là xăng E5 không an toàn cho động cơ. Theo đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, 65% nguyên nhân cháy nổ là do chập điện, chuột cắn, 35% không rõ nguyên nhân và cháy chủ yếu là xe tải chạy dầu diesel. Tất cả các vụ này đều không liên quan tới xăng E5.
Người tiêu dùng bắt đầu đổ xăng E5.
Một trong những suy nghĩ sai lầm của người tiêu dùng là cho rằng xăng A95 chạy “bốc” (chạy nhanh) hơn A92, nên E5 không thể “bốc” bằng. Tuy nhiên, trong thực tế A95 không hề “chạy nhanh” hơn, mà là tiếng lụp bụp ít hơn A92, do hòa khí và nhiên liệu cháy hết cùng lúc, cảm giác động cơ vận hành êm hơn. Các con số đứng sau như A90, A92, A95 hay Mogas90, Mogas92, Mogas95 thể hiện chỉ số Octan của loại xăng đó. Chỉ số Octan càng cao, xăng có chất lượng càng cao và ngược lại. Và giải pháp xăng sinh học E5 đã giải quyết được mong muốn “chất lượng như A95 mà giá rẻ hơn A92”. Theo TS. Nguyễn Hữu Tuyến, Ethanol có trị số Octan cao tới 109 (hơn A95) nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số Octane chống kích nổ tốt hơn. Mặt khác, hàm lượng ôxy trong E5 cao hơn xăng thường, giúp quá trình cháy trong động cơ diễn ra triệt để hơn, tăng công suất hơn, giảm tiêu hao nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu phát thải các chất độc hại trong khí thải động cơ hiện được sản xuất trong nước. Chính vì vậy loại xăng này không phải chịu thuế nhập khẩu, được ưu đãi thuế môi trường. Và Ethanol thực chất là cồn công nghiệp, con số E5 hay E10 là tỷ lệ 5-10% Ethanol pha xăng A92. Cho nên tỷ lệ Ethanol càng cao thì giá thành càng giảm.
Cần thay đổi suy nghĩ trước khi tụt hậu
Theo nhiều nguồn tài liệu, hiện trên thế giới, đã có hơn 50 quốc gia sử dụng xăng sinh học để chạy xe. Có thể điểm qua như Thái Lan, một đất nước cung cấp nguồn xe máy hàng đầu cho thị trường Việt Nam với các thương hiệu nổi tiếng như Dream, Wave… từ 2008 đã áp dụng xăng E20 đến E85 vào thị trường nội địa. Từ năm 2007, xăng E85 đã được chính thức sử dụng tại Áo, Pháp và Đức từ năm 2008. Mỹ có khoảng 250 triệu phương tiện sử dụng xăng và trong số chừng 170 ngàn trạm bán xăng thì có hơn 2.000 trạm bán xăng E85. Mỹ cũng là nước tiêu thụ Ethanol lớn nhất với khoảng 60% tổng sản lượng của thế giới
Cũng có một số quốc gia từng lao đao với xăng sinh học không phải vì lo “cháy nổ”, mà vì nguyên liệu sản xuất Ethanol đe dọa đến “an ninh lương thực” của họ. Chẳng hạn Brazil, một đất nước có nền kinh tế đứng thứ 6 trên thế giới từng phải báo động về nguy cơ khủng hoảng xăng sinh học trước năm 2010. Hàng chục nhà máy sản xuất Ethanol phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu sản xuất là mía đường. Nguyên do chính chỉ vì mất mùa. Trong khi đó, Brazil đang có gần 35 triệu xe hơi đang sử dụng xăng E25.
Mặt khác, các hãng xe hơi nổi tiếng như Ford, GM, Nissan, Toyota, Mercedes đã thiết kế sử dụng xăng E5 đến E85 từ năm 2005 đến nay. Và không đâu xa lạ, đó chính là những chiếc xe bình dân của nhiều gia đình Việt Nam hiện nay. Điều đó cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đã bỏ lỡ những quyền lợi mà mình đáng được hưởng từ xăng E5. Chỉ vì những định kiến suy diễn đã khiến mình tụt hậu. Người tiêu dùng cần thay đổi suy nghĩ, vừa có lợi cho túi tiền, có lợi cho nền kinh tế đất nước, và xa hơn là vì một môi trường trong xanh lành mạnh mà nhiêu liệu mới mang lại.
Theo phương án giá xăng sinh học và lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống được Chính phủ phê duyệt, bắt đầu từ 1/12/2015 xăng E5 đã được bán rộng rãi tại 7 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó sẽ mở rộng trên cả nước. Còn với xăng E10 thì sẽ được bắt đầu với 7 tỉnh thành phố nêu trên vào cuối năm 2016 và mở rộng toàn quốc vào cuối năm 2017. |
Nguồn tin: NTD