Báo Năng lượng Mới có cuộc phỏng vấn ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - nhằm góp phần tìm giải pháp xử lý những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực dầu khí.
PV: Thưa ông, từ góc nhìn của một Đại biểu Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về vai trò của ngành Dầu khí trong nền kinh tế thời gian qua?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Nói một cách công bằng, trong giai đoạn đất nước đang gặp khó khăn ở mọi phương diện từ con người, tài chính đến các mối quan hệ, ngành Dầu khí ra đời, phát triển đã đóng góp rất to lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói, những lợi tức của ngành Dầu khí mang lại cho ngân sách đã giúp cho đất nước những năm 80, 90 của thế kỷ trước, đặc biệt là giai đoạn 2006-2015, vượt qua rất nhiều các cuộc khủng hoảng.
Trước đây, không mấy ai hiểu dầu khí là gì, trong nước cơ bản mới chỉ biết đến dầu hỏa. Người thân của tôi từng được chọn ra nước ngoài để học về dầu khí từ những khóa đầu tiên, nhưng do không hiểu rõ nên xin ở lại học trong nước. Ngành Dầu khí đi lên từ con số 0, với bao cố gắng đã có được “cơ ngơi” đồ sộ như ngày nay. Không chỉ đóng góp to lớn cho ngân sách Nhà nước, Dầu khí còn giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp cho an sinh xã hội mà còn góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tuy nhiên, cũng chính vì câu chuyện Dầu khí trở thành “con cưng” nên dường như một vài cá nhân trong đội ngũ lãnh đạo ngành đã tự tách mình ra khỏi cuộc chơi chung, biến những nỗi vất vả của anh em công nhân đang ngày đêm miệt mài cống hiến, phải hy sinh cả cuộc sống gia đình, thậm chí cả tính mạng… thành lợi ích của riêng mình, biến những lợi thế được Nhà nước phân công nắm giữ thành độc quyền, chi phối. Cũng vì thế mà họ đã để xảy ra sai phạm, bị xử lý kỷ luật.
Có thể nói, Dầu khí trước đây khó khăn, rồi lên đến đỉnh cao của đồ thị hình sin, giờ đây đang đi xuống, rơi vào giai đoạn khủng hoảng về mặt uy tín, mặc dù vẫn đang tạo ra những giá trị kinh tế lớn.
Có thể nói, Dầu khí trước đây khó khăn, rồi lên đến đỉnh cao của đồ thị hình sin, giờ đây đang đi xuống, rơi vào giai đoạn khủng hoảng về mặt uy tín, mặc dù vẫn đang tạo ra những giá trị kinh tế lớn.
Phải thừa nhận rằng, Dầu khí là một ngành mạo hiểm, rủi ro muôn vàn. Tôi nhớ câu chuyện được nghe từ thập niên 90, từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi quyết định khai thác mỏ Đại Hùng, đứng trước khó khăn vì các đối tác rút khỏi dự án, kêu gọi đầu tư nước ngoài không được, ông đã kiên quyết cho rằng, nếu nước ngoài không làm được thì mình vay vốn để tự làm. Rất may sau đó với quyết tâm của ngành Dầu khí, việc khai thác mỏ Đại Hùng đã mang lại lợi ích lớn cho đất nước.
Tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ việc đánh giá một cách chân thực, công bằng về những rủi ro thực tế trong ngành Dầu khí, chúng ta phải biết chấp nhận rủi ro ấy. Bản thân những người đi làm dầu khí luôn sẵn sàng đối đầu với rủi ro, đánh đổi cả tính mạng. Việc khoan lên không có dầu là điều bình thường, chi hàng chục triệu USD vào một mũi khoan, tưởng chắc chắn thấy dầu nhưng lại không có, đó là một điều hết sức bình thường trên thế giới.
Tôi cho rằng, nhân dân và cử tri sẵn sàng chấp nhận thiệt hại kinh tế do rủi ro, mạo hiểm trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí bởi tính đặc thù của ngành chứ không chấp nhận những tổn thất do tiêu cực của cá nhân, hay nhóm lợi ích nào gây ra.
PV: Trong bối cảnh hiện nay, khi ngành công nghiệp dầu khí thế giới và trong nước đang trong giai đoạn khó khăn do giá dầu suy giảm kéo dài, theo ông, ngành Dầu khí cần có những bước đi phù hợp nào để vượt qua khó khăn?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Những năm gần đây Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách nhằm giải quyết những khó khăn và đầu tư phát triển ngành Dầu khí, trong đó có việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Đây được gọi là cuộc “đại phẫu” rất dũng cảm. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu ngành Dầu khí cũng đang bắt đầu triển khai.
Có ý kiến cho rằng không nên trông đợi nhiều vào việc khai thác khoáng sản, tài nguyên để góp phần tăng trưởng kinh tế. Nhưng thực tế, ngành Dầu khí hiện vẫn đóng góp tỉ trọng lớn cho ngân sách quốc gia (trên 10%). Nếu không có dầu khí, nền kinh tế sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Người lao động Dầu khí
Quan điểm của tôi là đất nước vẫn rất cần tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển ngành Dầu khí. Vì kinh tế mới chỉ là một vấn đề nhỏ, còn bảo vệ chủ quyền biển đảo là vấn đề rất hệ trọng. Nếu giả sử khai thác dầu khí trên đất liền thì chúng ta có thể chậm lại, nhưng khai thác dầu khí trên biển vẫn phải tăng cường, duy trì, phát triển. Không nên kìm hãm sự phát triển của ngành Dầu khí. Vì đây là một ngành đã có những năm tháng phát triển mạnh mẽ, đã có sẵn thế và lực, đã có thể thỏa mãn tính đa mục tiêu. Nhiều nước trên thế giới vẫn dành sự quan tâm và đầu tư lớn cho ngành này thì không có lý do gì Việt Nam lại không tiếp tục phát triển.
Trên cơ sở tiềm lực sẵn có của ngành kết hợp vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo (điều này đã được nêu rõ trong đề án phát triển kinh tế biển), cần tranh thủ quan hệ với các đối tác quốc tế tin cậy để tiếp tục phát triển, khai thác dầu khí ở ngoài biển khơi, xa bờ. Trong khi chúng ta có những dự án lọc dầu lớn nhưng vẫn phải đi nhập khẩu xăng dầu thì tại sao lại không đẩy mạnh phát triển ngành Dầu khí?! Thế giới vẫn luôn xem dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn. Ví dụ như Azerbaijan là quốc gia rất giàu có nhưng vẫn luôn coi trọng phát triển ngành dầu khí… Nếu như chúng ta có được những kinh phí từ khai thác dầu mỏ để bổ trợ cho việc phát triển công nghiệp 4.0 trên đất liền thì vô cùng tốt.
Vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng được một đề án chiến lược mới để thay thế các đề án cũ của Dầu khí. Trong đó, đề án này sẽ đề xuất xem xét sửa đổi lại Luật Dầu khí.
Trong tương lai nền kinh tế vẫn phải dựa vào khai thác khoáng sản, cần tự hào vì có khoáng sản để khai thác, bên cạnh đó cần phát triển những lĩnh vực khác thì đất nước mới phát triển nhanh được. Chúng ta không tàn phá thiên nhiên, môi trường, khai thác lãng phí khoáng sản để lại cho con cháu những món nợ hay hậu quả về môi trường. Nhưng với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, một mũi khoan phát hiện ra dầu có thể mang về cho đất nước hàng tỉ đôla là một điều vô cùng tốt. Chúng ta hoàn toàn không nên kìm hãm những lợi thế mà mình có được. Muốn làm được điều này như tôi đã nói ở trên là phải tận dụng mọi tiềm lực cũng như các quan hệ quốc tế, chứ một mình không thể làm hết được.
Tôi nghĩ, trong bối cảnh mới, cần có một chiến lược phát triển mới thay đổi chiến lược hiện tại của ngành cả về khai thác và tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm dầu khí.
PV: Để tìm hướng khắc phục khó khăn, tiếp tục đầu tư phát triển, ngành Dầu khí đã đề xuất, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có việc sửa đổi Luật Dầu khí. Với kinh nghiệm của Đại biểu Quốc hội, xin ông cho biết, để Luật Dầu khí sớm được xem xét, sửa đổi phù hợp với tình hình mới, ngành Dầu khí cần phải làm gì tiếp theo?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng được một đề án chiến lược mới để thay thế các đề án cũ của Dầu khí. Trong đó, đề án này sẽ đề xuất xem xét sửa đổi lại Luật Dầu khí. Muốn sửa đổi được Luật Dầu khí phải có đề án, nghiên cứu một cách hết sức khoa học, khách quan chứ không phải đơn giản chỉ là đề xuất.
Đề án Luật Dầu khí là một đề án tầm quốc gia, phải có sự tham gia của các nhà khoa học có trình độ cao trong nước, đồng thời có tham khảo rộng rãi ý kiến đối với quốc tế. Muốn làm được điều này, Ngành Dầu khí phải phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức nhiều hội thảo khoa học để qua đó thu nhận ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài ngành, từ đó cung cấp những luận điểm, luận chứng, luận cứ cho các nhà chính trị, các nhà làm luật để người ta biết được cụ thể Luật Dầu khí đang cần sửa những gì, vì sao lại sửa, những điều nào cần phải thay mới…?
Luật Dầu khí ban hành cách đây gần 30 năm (từ năm 1993), qua 2 lần sửa đổi cũng hơn chục năm rồi (năm 2000, 2008). Sửa đổi để một mặt bịt lại “lỗ hổng” cần thiết, thứ hai để xây dựng tốt hơn cho nền tảng, thứ ba tạo ra một định hướng mới cho các hoạt động về sau. Vì luật có nhiệm vụ không chỉ điều chỉnh các quan hệ trước mắt mà còn phải dự báo và điều chỉnh các quan hệ trong tương lai.
Tôi nghĩ ngành Dầu khí cần thiết phải xây dựng một đề án lớn, rất khoa học, toàn diện. Có như vậy mới mong giải đáp được câu hỏi mà bản thân ngành Dầu khí cũng như nhiều cử tri và nhân dân đang băn khoăn về sự phát triển của ngành trong hiện tại cũng như tương lai.
Mặc dù ngành Dầu khí đã có kiến nghị về sửa đổi Luật Dầu khí, nhưng làm việc tại cơ quan lập pháp, với vai trò Đại biểu Quốc hội, tôi chưa được thấy kiến nghị đó mà mới chỉ được nghe nói. Có người nói phải sửa đổi cái này, cái khác nhưng hoàn toàn tôi chưa thấy bất cứ luận điểm, luận chứng nào trình bày, phân tích và chứng minh tính cần thiết, đúng đắn của những đề xuất, kiến nghị đó. Một người làm luật như tôi, chỉ có thể quyết định khi có trên bàn đầy đủ thông tin thuyết phục. Giống như một đầu bếp, để quyết định nấu món gì thì phải có đủ nguyên liệu, gia vị. Các nhà làm luật, các nhà làm chính sách rất cần thông tin đầy đủ, chính xác; những luận cứ thuyết phục để có thể đi đến quyết định cuối cùng.
PV: Xin cảm ơn những ý kiến đóng góp, chia sẻ tâm huyết của ông.
Hiện nay, việc triển khai các dự án đầu tư tìm kiếm thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau (Luật Dầu khí, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng...).
Trong Luật Dầu khí hiện nay và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng như trong các hợp đồng dầu khí cũng chưa có quy định cụ thể về ưu đãi trong đấu thầu sử dụng dịch vụ, hàng hóa trong nước, do vậy các nhà điều hành không đưa được tiêu chí lượng hóa vào hồ sơ mời thầu để ưu đãi, mỗi nhà điều hành có cách thức ưu đãi khác nhau, hệ quả là không khuyến khích được nhà thầu nước ngoài khi tham gia đấu thầu sẽ liên danh hoặc sử dụng nhà thầu phụ là doanh nghiệp trong nước.
Nguồn tin: petrotimes.vn