Theo thông tin của PV Tiền Phong, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại 15 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn đang bị âm xấp xỉ 1.500 tỷ đồng do trích quỹ để giữ giá bán lẻ trong nước.
Trong văn bản báo cáo mới nhất gửi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 9, Quỹ Bình ổn giá tại đơn vị này đã âm hơn 210 tỷ đồng. Tính đến ngày 22/10, Quỹ Bình ổn giá tại tập đoàn đã giảm xuống còn âm 192,1 tỷ đồng.
Hiện mức âm quỹ lớn nhất trong số 35 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thuộc về Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) với mức âm tới 697,6 tỷ đồng. Theo báo cáo về số dư quỹ mới nhất của PVOil cho thấy, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại đơn vị này đã giảm đáng kể nếu so với đầu tháng 9 khi mức âm Quỹ Bình ổn giá xăng dầu lên tới 710,9 tỷ đồng.
Trong số gần 1.480 tỷ đồng bị âm do chi Quỹ Bình ổn giá được ghi nhận, các doanh nghiệp đang phải trích tiền cho mức âm Quỹ lớn bao gồm: Tổng Cty Thương mại, Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (âm hơn 53 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng (âm hơn 64 tỷ đồng); Công ty TNHH Petro Bình Minh (âm 71 tỷ đồng); Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Trường An (âm 89 tỷ đồng); Công ty CP Xăng dầu Tân Nhật Minh (âm 113 tỷ đồng); Công ty TNHH Hải Linh (âm 73 tỷ đồng); Công ty CP Lọc Hoá dầu Nam Việt (âm 24 tỷ đồng); Công ty CP Nhiên liệu Phúc Lâm (âm 21 tỷ đồng)…
Theo báo cáo của cơ quan quản ký, chỉ có 20 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trên cả nước hiện chưa bị âm quỹ tính đến ngày 20/10. Theo tính toán của cơ quan quản lý, nếu bù trừ số âm quỹ và số tiền còn lại của các doanh nghiệp đầu mối, số quỹ còn lại trên cả nước chỉ còn gần 600 tỷ đồng. Việc này đồng nghĩa áp lực điều hành tăng giá xăng dầu mạnh trong các kỳ điều hành tới sẽ rất lớn nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục neo cao như hiện nay. Chỉ cần một vài phiên tăng giá mạnh, nếu không sử dụng các biện pháp điều hành khác như giảm thuế, toàn bộ số Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trên cả nước tích luỹ được từ đầu năm 2021 sẽ không còn, thậm chí bị âm rất lớn.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối bị âm Quỹ Bình ổn giá lớn cho biết, các doanh nghiệp đang rất khổ do phải bù tiền vào quỹ theo quy định. Với doanh nghiệp nhỏ, không có lợi thế về tài chính thì phải vay ngân hàng và phải chịu lãi suất tới 8%/năm để bù tiền quỹ.
Đây là lần thứ hai kể từ năm 2019, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lại phải đối mặt với việc bị âm Quỹ Bình ổn giá xăng dầu do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao. Nhiều doanh nghiệp đã chọn cách “chỉ đạo ngầm” hạn chế bán xăng RON95 để tránh bị âm quỹ lớn kéo theo tình trạng thiếu xăng hoặc bán nhỏ giọt tại các cây xăng.
Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Đoàn giám sát của Quốc hội hồi năm 2019 kiến nghị bãi bỏ ngay hoặc có lộ trình rõ ràng bãi bỏ nhiều loại quỹ, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quỹ được thành lập từ năm 2009, với số tiền trích lập hằng năm lên tới nhiều nghìn tỷ đồng nhưng người dân không ai biết số tiền đó được sử dụng như thế nào. Kiểm toán Nhà nước cũng từng có kiến nghị về việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, việc trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn nhiều bất cập.
Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm khoảng 42% đối với mặt hàng xăng và tỷ lệ này đối mặt hàng dầu là khoảng 24-30%. Vì vậy, ngoài việc sử dụng hiệu quả linh hoạt Quỹ Bình ổn giá, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cân nhắc xem xét việc giảm các loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường.
Nguồn tin: Tiền phong