Trao đổi với phóng viên của Tạp chí Tài chính, TS. Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả nhấn mạnh, việc Bộ Công Thương tổ chức lại hệ thống kinh doanh xăng, dầu là rất cần thiết và phải thực hiện nhanh chóng sao cho giảm bớt số đầu mối kinh doanh xăng, dầu và doanh nghiệp phân phối.
Phóng viên: Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương, vừa qua Bộ Tài chính đã có Công văn số 10281/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương để thống nhất tăng chi phí kinh doanh xăng, dầu định mức và điều chỉnh premium trong nước. Ông có thể chia sẻ sâu hơn về vai trò của việc điều chỉnh premium?
TS. Vũ Đình Ánh: Theo các doanh nghiệp phản ánh, premium là một trong những yếu tố khiến các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đang phải chịu chiết khấu âm. Trong giá cơ sở hiện nay, nên sớm có sự thống nhất sớm giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương để rà soát, điều chỉnh tất cả yếu tố cấu thành, tính toán đầy đủ các chi phí theo tình hình thị trường chứ không theo giai đoạn trước khi chúng ta nhập khẩu xăng, dầu là chủ yếu, vì hiện tại việc sản xuất xăng, dầu trong nước đã đáp ứng được gần 3/4 nhu cầu tiêu dùng.
Do đó, premium liên quan đến các chi phí về giá vận tải và mối quan hệ của các doanh nghiệp trong nước với các đầu mối kinh doanh xăng, dầu. Các doanh nghiệp khi kinh doanh đương nhiên đều yêu cầu phải có lãi, vì vậy cũng cần cân đối yếu tố này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Phóng viên: Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng, dầu, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, một trong số những bất ổn của vấn đề xăng, dầu hiện nay liên quan đến chiết khấu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?
TS. Vũ Đình Ánh: Nếu nói đến vấn đề chiết khấu trong kinh doanh xăng, dầu thì theo tôi nó liên quan đến hệ thống kinh doanh xăng, dầu của nước ta hiện nay cần phải tổ chức sắp xếp lại. Hiện chúng ta có đến 36 đầu mối kinh doanh xăng, dầu và tới khoảng 500 doanh nghiệp phân phối, khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu. Đối với thị trường Việt Nam thì những con số này theo tôi là quá nhiều.
Với tình hình chiết khấu âm thì rõ ràng đang tạo sức ép từ các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối đối với các cửa hàng bán lẻ. Do đó, việc tổ chức lại hệ thống kinh doanh xăng, dầu là rất cần thiết, sao cho giảm bớt số đầu mối kinh doanh xăng, dầu và doanh nghiệp phân phối. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng cần quản lý, sắp xếp lại mối quan hệ giữa các doanh nghiệp này nhằm khắc phục tình trạng mức chiết khấu âm như đang được nhắc đến hiện nay.
Phóng viên: Đối với những bất cập của thị trường xăng, dầu hiện nay, theo ông trách nhiệm của cơ quan quản lý như thế nào đối với công tác quản lý đầu mối kinh doanh xăng, dầu và đảm bảo nguồn cung?
TS. Vũ Đình Ánh: Đây hoàn toàn là trách nhiệm phải thực hiện của Bộ Công Thương, còn đối với Bộ Tài chính chỉ có chức năng, nhiệm vụ ở yếu tố định mức và phối hợp với Bộ Công Thương trong vấn đề quyết định giá bán lẻ. Ngoài ra, Bộ Tài chính theo chức năng nhiệm vụ thì có trách nhiệm về các khoản thuế, phí liên quan đến xăng, dầu thì thời gian qua, đã có động thái thực hiện rất tích cực rồi.
Vì thế, những vấn đề còn lại liên quan đến nguồn cung rồi là hệ thống phân phối, tổ chức sắp xếp thị trường là chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương. Quan điểm của cá nhân tôi thì nên chăng xem xét việc giao lại nhiệm vụ tính toán chi phí định mức, giá cơ sở và giá bán lẻ cuối cùng cho Bộ Công Thương để họ quản lý toàn bộ thị trường và gắn với đó là vấn đề về giá cũng như các yếu tố liên quan đến chi phí thì sẽ phù hợp hơn. Lúc đó, Bộ Tài chính quay về đúng chức năng liên quan đến các khoản thuế, phí.
Phóng viên: Để đảm bảo lợi ích “3 bên”, tức Nhà nước - người tiêu dùng - doanh nghiệp, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần lưu ý điều gì, thưa ông?
TS. Vũ Đình Ánh: Như đã nói đến, theo quan điểm của tôi, việc cần lưu ý nhất là tổ chức sắp xếp lại hệ thống kinh doanh xăng, dầu để đảm bảo các vấn đề:
Một là, đảm bảo định hướng phát triển thị trường kinh doanh xăng, dầu cạnh tranh.
Hai là, hệ thống đó phải đảm bảo nhiệm vụ về an ninh an toàn năng lượng.
Ba là, hệ thống phải vận hành ổn định, có lợi nhuận kể cả khi giá xăng, dầu biến động theo chiều hướng tăng hay giảm.
Cùng với đó thì sự phối hợp các bộ, ngành chức năng cần phải linh hoạt và trơn tru hơn, kịp thời hơn. Đặc biệt, về việc phân công trách nhiệm, quyền hạn liên quan đến xăng, dầu, rất nên chuyển việc quyết định giá cơ sở, thậm chí các khoản lợi nhuận, định mức giao về Bộ Công Thương quản lý nhằm đảm bảo tính thống nhất và một đầu mối chịu trách nhiệm hơn việc hiện nay Bộ Tài chính đang phải “ôm” nhiệm vụ đó.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn tin: Tài chính