Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cần linh hoạt trong điều chỉnh giá xăng dầu

Việc điều chỉnh giá xăng dầu của liên bộ: Công thương - Tài chính thời gian qua đã vấp phải sự phản ứng không nhỏ của dư luận khi liên tục xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu (QBOGXD) nhưng giá bán lẻ vẫn tăng cao, gây áp lực tới việc tăng giá các loại hàng hóa. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần nghiên cứu và xóa bỏ QBOGXD, đồng thời không nên can thiệp quá sâu về giá, mà để giá xăng dầu tự vận hành theo cơ chế thị trường… 

Khách hàng mua xăng tại cửa hàng xăng dầu 194 Thái Thịnh, quận Ðống Ða (Hà Nội).

Áp lực tăng giá hàng hóa

Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn quận Hà Ðông, Thanh Xuân, huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho thấy, giá bán các loại rau, củ, quả, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân đã có sự tăng nhẹ trước ảnh hưởng của đợt tăng giá xăng dầu và giá điện thời gian vừa qua. Cụ thể, các mặt hàng rau, củ, quả tăng từ 500 đồng đến 2.000 đồng/mớ, kg tùy từng chủng loại. Thịt bò từ 220 nghìn đồng/kg, tăng lên 230 nghìn đồng/kg; thịt gà từ 115 nghìn đồng tăng lên 120 nghìn đồng/kg,… Chị Nguyễn Thu Hằng, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Xanh Văn Quán (Hà Ðông) cho biết, những ngày gần đây, giá các mặt hàng rau, thực phẩm tăng do chi phí đầu vào tăng cao.

Không rơi vào tình trạng phải điều chỉnh ngay giá cước nhưng đại diện hãng ta-xi Quê Lụa cho biết, hiện tại doanh nghiệp (DN) đang phải "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm các chi phí để cạnh tranh với các hãng ta-xi khác. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, chắc chắn DN phải tính đến phương án tăng giá cước. Tương tự, Phó Chủ tịch Hiệp hội ta-xi Hà Nội Nguyễn Hoàng Minh khẳng định, việc tăng giá cước vận tải sẽ khó thực hiện ngay với các DN kinh doanh ta-xi mặc dù tác động của đợt tăng giá xăng dầu này khiến DN ta-xi giảm lợi nhuận hơn 30%. Tuy nhiên, trước việc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa ta-xi truyền thống với các loại ta-xi công nghệ cho nên các DN phải "nhìn trước ngó sau" rồi mới tính đến phương án tăng giá cước.

Tính từ đầu năm đến nay, liên bộ: Công thương - Tài chính đã tám lần điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó, có bốn lần giữ nguyên giá, một lần giảm và ba lần tăng giá với mức chênh lệch 3.090 đồng/lít đối với xăng Ron 95; 2.720 đồng/lít đối với xăng E5 Ron 92; 1.380 đồng/lít đối với dầu đi-ê-den,… Ðáng chú ý, trong vòng 15 ngày của hai kỳ điều hành liên tiếp, từ ngày 2-4 đến 17-4, giá xăng Ron 95 tăng hơn 2.690 đồng/lít, xăng E5 Ron 92 tăng 2.290 đồng/lít,… đã tạo sức ép không nhỏ tới việc tăng giá các loại hàng hóa. Bên cạnh đó, việc liên tục xả quỹ trong thời gian dài khiến các DN kinh doanh xăng dầu bị âm vốn hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của DN, tác động đến giá cả thị trường cũng như dư luận xã hội.

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định: Ðiều hành giá xăng dầu là cả nghệ thuật, điều hành kiểu "ăn đong, giật cục" mà không có tầm nhìn dài hạn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của nền kinh tế. Ðơn cử, ba kỳ điều hành giữ nguyên giá liên tiếp từ ngày 16-1 đến ngày 15-2 là nhằm ổn định giá các loại hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Kỳ tăng giá ngày 2-3, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ 700 đồng đến 810 đồng/lít, kg đã từng bước tiệm cận với giá xăng dầu thế giới. Thế nhưng, tại kỳ điều chỉnh ngày 18-3, các cơ quan chức năng lại quyết định giữ nguyên giá và thực hiện xả quỹ kỷ lục tới 2.061 đồng/lít đối với xăng Ron 95 và 2.801 đồng/lít đối với xăng E5 Ron 92,… khiến QBOGXD tại một số DN đầu mối bị âm. Cùng thời điểm đó, nguồn cung bị ảnh hưởng đã dẫn đến mặt hàng xăng Ron 95 bị thiếu cục bộ tại một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội. Việc điều chỉnh nêu trên đã không phát huy tác dụng, bởi theo lý giải, giữ giá xăng dầu, tăng giá điện để hạn chế tác động tới CPI, nhưng CPI tháng 3 vẫn âm 0,21% so với tháng 2, gây lãng phí tiền của QBOGXD do người dân đóng góp. Mặt khác, do lựa chọn thời điểm không thích hợp dẫn tới việc bỏ lỡ cơ hội điều chỉnh tăng giá xăng dầu.

Ðiều hành theo hướng nào?

Công tác điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua vẫn tồn tại một số bất cập như điều hành giá vẫn nặng về mệnh lệnh hành chính, giá chưa thật sự vận hành theo cơ chế thị trường. Ðáng chú ý, việc điều hành giá xăng dầu thông qua việc trích lập và sử dụng QBOGXD chưa linh hoạt, chưa sát thực tế... Như vậy, với cách làm hiện nay, giá xăng dầu vẫn tăng sau khi thực hiện điều hành giá và thực tế nhiều DN đầu mối còn tồn QBOGXD với giá trị lớn ngay cả khi điều chỉnh tăng giá. Do đó, theo nhiều chuyên gia, chỉ trích quỹ khi giá giảm để ổn định giá và tạo nguồn cho quỹ; khi giá tăng thì không trích và dùng QBOGXD để bù đắp, nếu thiếu quỹ khi đó mới tăng giá. Ngoài ra, cũng cần phải cân đối mức chi sử dụng quỹ không nên ở mức quá cao, thời gian chi không nên kéo dài sẽ dẫn đến giá bán trong nước thoát ly giá thế giới, nhanh cạn quỹ và khi đó sẽ buộc phải tăng giá bán.

Mặt khác, theo quy định của Bộ Tài chính, các DN đầu mối phải mở riêng tài khoản cho QBOGXD ở các ngân hàng và phải thông báo cho Bộ Tài chính số tài khoản ngân hàng, số tiền trích lập quỹ của DN và DN không được sử dụng quỹ này khi chưa có thông báo chi sử dụng quỹ của liên bộ Công thương - Tài chính. Như vậy, khi quỹ dương, DN cũng không được lợi từ quỹ, còn khi quỹ âm, DN bị lỗ thật, phải tự bỏ tiền ra để bù vào mức quỹ được xả, gây nhiều khó khăn cho DN.

Liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) Phan Thế Ruệ khẳng định: Việc trích lập QBOGXD khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi hơn được lợi vì bản chất, người tiêu dùng đang ứng trước cho quỹ. Bên cạnh đó, việc sử dụng QBOGXD mang đậm tính can thiệp hành chính làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu và hàng nghìn tỷ đồng dư quỹ để riêng, không đưa vào kinh doanh, gây lãng phí rất lớn. Do đó, việc bỏ quỹ trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn phù hợp để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Giá xăng dầu tăng cao, người tiêu dùng sẽ trả ở mức cao, khi giá xăng dầu xuống thấp, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Ngoài ra, khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động ổn định cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm (đang nâng cấp, mở rộng lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm), chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Nguồn tin: nhandan.com.vn

ĐỌC THÊM